Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng xuất hiện những quan niệm và niềm tin về món ăn đem lại may mắn cho người thưởng thức. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở ý nghĩa món ăn hên xui, với triết lý riêng người Việt đã nâng những món ăn đó lên thành giá trị văn hóa, tạo nên nét độc đáo cho ẩm thực dân tộc.
Không riêng gì người Việt ta, nhiều quốc gia khác nhau trong thế giới tâm linh cũng tồn tại quan niệm về thực phẩm may mắn như sủi cảo là món ăn may mắn của Trung Quốc, kim chi đem đến cho người Hàn Quốc điềm lành và niềm vui, cá là thức ăn không thể thiếu trong ẩm thực Nhật bởi họ coi đó là loài động vật thông minh mang đến sự năng động và sáng suốt trong cả năm… Tuy nhiên, với người Việt Nam, quan niệm đó dường như xuất hiện ở mọi vùng miền và mang những nét khác nhau trong mỗi dịp lễ, Tết.
Món ăn khai xuân
Niềm tin về thực phẩm may mắn được thể hiện rõ nhất vào các dịp lễ, Tết khi con người hi vọng ở năm mới thịnh vượng, chính vì thế món ăn khai xuân nhất định phải có ý nghĩa may mắn sâu sắc. Đó là chiếc bánh chưng xanh thể hiện lòng thành kính tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới tốt lành, là đĩa xôi gấc mang sắc màu may mắn, là mâm ngũ quả “Cầu, dừa, đủ, xoài, sung” với nghĩa “Cầu vừa đủ xài, sung túc”, là cặp dưa hấu đỏ au không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mà theo quan niệm của ông cha ta những hạt “cát” trong quả dưa đồng âm với từ “cát” trong tiếng Hán có nghĩa là tốt lành…
Vào những ngày đầu năm mới, đặc biệt là sáng mùng 1 Tết người ta chỉ mời nhau những món ăn mà theo quan niệm là mang lại may mắn. Đó có thể là những món mang sắc màu tươi tắn như màu đỏ tượng trưng cho vận đỏ, màu vàng tượng trưng cho của cải đầy nhà hay những món ăn có ý nghĩa may mắn như canh khổ qua của miền Nam… Trái lại, để tăng thêm ý nghĩa may mắn cho món ăn và ước nguyện “Cầu được ước thấy”, người ta cũng tránh những món ăn “xui” như những món màu đen hay những món theo quan niệm thường gắn với điềm xui như tuyệt đối không ăn mực, thịt chó, xôi đỗ đen vào đầu năm…
Không thể thiếu trong những dịp quan trọng
Không riêng gì ngày Tết, vào các dịp quan trọng như đám cưới, thi cử… quan niệm về thực phẩm may mắn cũng khá phổ biến.
Trong đám cưới của người Việt dù sang hay giàu, dù ở thành thị hay nông thôn thì cũng không thể thiếu miếng trầu đỏ thắm quyện với vôi nồng tượng trưng cho tình cảm chồng vợ son sắt. Với ý nghĩa đó người Việt tin rằng miếng trầu sẽ đem đến may mắn, vun đắp cho hạnh phúc trăm năm bền vững. Bên cạnh đó, đĩa xôi gấc cũng là món ăn chưa bao giờ vắng mặt trong cỗ cưới của người Việt Nam.
Thi cử cũng là sự kiện quan trọng của đời người, chính vì thế không có lý gì vào dịp này món ăn may mắn không phổ biến. Quả đúng như thế, theo quan niệm của dân ta truyền tai nhau bao đời nay, đi thi chỉ nên ăn những món ăn may mắn như ăn đậu mà nhất quyết phải là đậu đỏ, ăn xôi gấc; nghiêm cấm ăn thức ăn mang vận đen như mực, thịt chó, trứng vịt lộn, có ăn trứng gà cũng chỉ ăn lòng đỏ… Nghe thì có vẻ nực cười, tuy nhiên với niềm tin và triết lý của mình người Việt tin rằng “Có kiêng, có lành”, những món ăn may mắn đó đã đem đến sự vững tin hơn để họ có thể đối mặt với mọi vấn đề của cuộc sống.
Và cả ngày thường
Khi đã có niềm tin thì niềm tin đó theo người Việt trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Bởi lẽ trước hiện thực cuộc sống, con người luôn mơ ước và khát khao thực hiện. Món ăn may mắn cho họ hy vọng và niềm tin hiện thực hóa ước vọng. Chính vì thế, không riêng gì lễ, Tết hay phải chờ đến những dịp quan trọng mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày món ăn mang lại những điều tốt đẹp cũng luôn hiện diện.
Trước tiên đó là thói quen “giải đen” cuối tháng bằng thịt chó. Người Việt kiêng không bao giờ ăn thịt chó vào ngày đầu năm, đầu tháng, song họ tin rằng ăn thịt chó vào những ngày cuối năm, cuối tháng lại có thể xua đi vận đen đủi, “rửa sạch” rủi ro để bước sang năm mới may mắn hơn. Sang đến đầu tháng người ta thường ăn những món ăn như tiết canh với màu đỏ của huyết hi vọng cả tháng sẽ gặp nhiều điềm lành.
Thế mới nói, niềm tin về thực phẩm may mắn không chỉ dừng lại ở những món ăn may mắn đó còn là những món ăn giúp xua đi vận hạn, rủi ro. Xét ở khía cạnh nào đó, việc người Việt đi đêm thường mang theo mình nhánh tỏi, cành dâu cũng là từ triết lý đó mà ra. Họ tin rằng nhánh tỏi, cành dâu đó sẽ giúp họ xua đi quỷ dữ, tà ma và mọi điều xấu xa trong đêm tối nhanh chóng đi đến ánh sáng để đón nhận điều tốt đẹp.
Qua món ăn may mắn cùng những triết lý giản đơn đa phần xuất phát từ niềm tin, hi vọng, chúng ta như nhận ra nhiều điều, càng hiểu hơn cuộc sống tinh thần phong phú của người Việt. Niềm tin về thực phẩm may mắn như một giá trị truyền thống vô hình không chỉ phản ánh nét đẹp trong văn hóa ẩm thực nói riêng mà nó còn là điều bí ẩn về văn hóa Việt Nam nói chung.
Nguồn: Monngonhanoi