Không chỉ có hai màu đỏ và đen như tên gọi, loại xôi này còn có rất nhiều màu sắc hấp dẫn, bắt mắt do bàn tay khéo léo của những phụ nữ Tày làm nên.
Thực ra, không chỉ ở người Tày mới có loại xôi độc đáo này. Theo người viết được biết, hầu hết người dân tộc ở vùng núi phía Bắc đều có "xôi bảy màu" như là một món ăn truyền thống cho những dịp giỗ chạp, lễ tết...
Sở dĩ, món xôi này trở nên độc đáo bởi cách chế biến rất riêng của nó. Xôi được làm từ thứ gạo nếp ngon, hạt to tròn, hương thơm ngọt, loại gạo chỉ có trên nương rẫy, mỗi năm một vụ cấy hái, song để có những màu sắc sặc sỡ đẹp mắt lại càng công phu. Những người phụ nữ ra chợ mua về nhà những bó hoa rừng thơm ngát, có mầu vàng nhạt, treo lên để khô, đến sát ngày tảo mộ mới đem ra rửa lại rồi đun kỹ lấy nước. Đó chính là thứ nước đặc biệt để ngâm gạo nếp, giúp cho xôi có mầu vàng tươi và mùi thơm dễ chịu.
"Đăm đeng" không chỉ có mầu đỏ, đen như tên gọi. Người phụ nữ được coi là khéo léo, phải là người làm được món xôi có đủ các mầu: đỏ, tím, vàng, đen, xanh, trắng...
Độc đáo ở chỗ: tất cả các mầu sắc ấy không tạo ra bằng phẩm mầu, mà lấy từ hương sắc cây cỏ.
Loại lá được người dân tộc gọi là lá cẩm, chính là "nguyên liệu" tạo mầu xôi. Phần còn lại tùy thuộc vào "tay nghề" của đầu bếp. Nếu dùng lá giã ra cho thêm một chút vôi rồi ngâm với gạo nếp, khi đồ lên, sẽ có mầu xanh cổ cò quyến rũ. Nếu cũng dùng lá đó giã ra ngâm với nước tro của rơm lúa nếp sẽ có xôi mầu xanh thẫm đặc trưng...
Để xôi có đủ mầu, người cầu kỳ còn lên rừng hái thêm một vài loại lá nữa. Xôi "đăm đeng" có mùi thơm rất riêng, phảng phất hương vị núi rừng, nên không hề lẫn với một thứ xôi nào khác: Hạt xôi bóng nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, không cứng. "Đăm đeng" thường được ăn với muối lạc giã nhỏ, giống như món cơm lam. Xôi "đăm đeng" ăn với muối lạc càng nhai lâu càng thơm, càng bùi.
Một số đồng bào dân tộc còn quan niệm rằng, trong các ngày lễ, ngày Tết, việc ăn xôi này sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành.
Nguồn: website dulicnet