Du lịch thiền (Zentourism) là loại hình du lịch giúp con người cân bằng tâm linh, thư giãn và trở nên thân thiện với môi trường.
Ở những quốc gia Châu Á nói chung và những quốc gia theo Phật giáo nói riêng thì hình thức du lịch này khá phổ biến, thu hút được nhiều du khách tham gia.
Việt Nam vốn là một đất nước có hệ thống chùa chiền đẹp và đa dạng, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch thiền.
"Thiền" và nguồn gốc phát triển
Thiền được hiểu như là một sự nghỉ ngơi tuyệt đối trong tâm hồn của con người, nhưng vẫn biết trở về với giây phút hiện tại.
Thiền có các tên gọi như Dhyana, Ch'an, Zen - mỗi tên ứng với một quá trình phát triển của thiền.
Dòng thiền đầu tiên (Dhyana) có tên là thiền Thiên Trúc, do đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập vào khoảng 2.500 năm trước bằng cách áp dụng các phương pháp luyện tập yoga của Ấn độ giáo cổ xưa vào tu tập Phật pháp.
Khoảng 1.000 năm sau, vị sư tổ đời 28 của dòng thiền Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) sang truyền đạo ở Trung Quốc.
Sự kết hợp giữa Dhyana và đạo Lão đã làm xuất hiện Thiền Tông Trung Hoa, được gọi là Ch'an. Sau đó, khi đến Nhật Bản vào cuối thế thế kỷ XII, Ch'an cùng với Thần đạo (Shinto) - một trong những tôn giáo cổ xưa nhất thế giới kết hợp với nhau hình thành nên Zen (thiền Nhật Bản).
Và cho đến ngày nay, thuật ngữ Zen trở nên phổ biến và là thuật ngữ tiếng Anh chính thức của thiền.
Ở Việt Nam, thiền là một tông phái thuộc Phật giáo Đại Thừa, được truyền vào từ rất sớm.
Khoảng năm 580, đệ tử đời thứ ba của Bồ Đề Đạt Ma là Tăng Xán đã cho người mang thiền Tông sang Việt Nam và ở lại tại chùa Dâu (Bắc Ninh). Từ đây, thiền học Việt phát triển thành các dòng thiền khác nữa.
Trong đó nổi bật nhất là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên tu tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử từ năm 1299.
Triết lý thiền do vậy mà đã có ảnh hưởng khá sâu đậm lên lối sống của người Việt.
Vì thế, những ngôi chùa cổ kính, ngôi đền đẹp...sẽ là những điểm hẹn đầu xuân cho du khách trong các chương trình du lịch thiền để tìm về với chính mình.
Những điểm du lịch thiền tiêu biểu ở Việt Nam
1.Thiền viện Trúc Lâm trên núi Yên Tử
"Trăm năm tích đức, tu hành. Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu".
Chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử |
Vùng núi Yên Tử (còn có tên gọi là núi Voi, Bạch Vân Sơn) thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có độ cao 1.068m chính là nơi xuất phát của thiền phái Trúc Lâm.
Dọc theo đường lên núi là quần thể chùa tháp gồm 11 công trình kiến trúc chùa - tháp - am.
Trong đó, nổi bật là chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng, ngọn tháp cổ ba tầng...
Khu vực thiền định |
Vào lúc 7 giờ 20 phút mỗi ngày mọi người sẽ tập trung lên Thiền đường để ngồi thiền ít nhất hai giờ đồng hồ.
Sau đó, nếu là khách thì ba giờ sáng bạn phải thức dậy để nấu nướng và chuẩn bị cơm sáng cho các thầy.
Hàng năm, cứ từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch cho đến hết tháng 3 âm lịch thì lễ hội Yên Tử lại được diễn ra long trọng.
Vào dịp lễ hội, bạn còn được hòa vào dòng người hành hương từ chân núi Yên Tử lên đến chùa Đồng, thắp nhang cầu nguyện những phước lành trong cuộc sống.
2.Gốm méo Phù Lãng - một điểm du lịch thiền
Làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, cách thị xã Bắc Ninh khoảng 10km.
Phù Lãng nằm trên những quả đồi thấp, bên bờ sông Cầu với nhiều bến đò tấp nập đưa khách qua lại.
Ngoài những sản phẩm gốm truyền thống như gốm Nhung, gốm Thiều, các loại tranh gốm...thì Phù Lãng còn nổi tiếng với gốm méo.
Các sản phẩm gốm Phù Lãng |
Bằng những chất liệu khác nhau như gỗ, gạch, đá...những nghệ nhân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm độc đáo như lọ hoa méo, hình mặt người khi thì mếu, lúc lại cười, lọ hoa "méo không ra méo, tròn chẳng ra tròn".
Chúng đã giúp minh chứng cho một triết lý của thiền học, đó là: Cuộc đời không có gì là hoàn hảo và chính những gì không hoàn hảo mới thật sự hoàn hảo, là đời thực.
Cũng vì lẽ đó mà gốm méo Phù Lãng ngày càng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Mọi người đến Phù Lãng, ngắm nhìn gốm méo để cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống.
3.Thiền viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Cùng với thiền viện Trúc Lâm tọa lạc trên đồi Phụng Hoàng (thành phố Đà Lạt), Bát Nhã được xem là một trong những tu viện đẹp mà bạn có thể tham dự các lớp học thiền.
Mỗi ngày vào lúc 4 giờ 30 phút sáng, mọi người đã thức dậy để chuẩn bị cho buổi ngồi thiền lúc 7 giờ. Vào mùa xuân này tu viện còn tổ chức những lễ hội vui xuân như bói Kiều, thiền trà, dự lễ xuất gia...
Thiền viện Bát Nhã |
Bên cạnh đó, bạn còn có thể đến những thiền viện, chùa chiền khác trong chuyến du lịch thiền đầu xuân của mình như Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), thiền viện Chơn Không (Vũng Tàu), chùa Giác Lâm, Giác Viên (TP.HCM)...Giữa những bận rộn, chật vật của cuộc sống hằng ngày thì vào dịp đầu xuân bạn hãy dành cho mình những giây phút yên tĩnh nơi cửa thiền nhé.
(Nguồn simplevietnam.com - Thanh Nguyên) |