Xây dựng Huế trở thành thành phố văn hóa, du lịch và Festival đặc trưng của Việt Nam - là mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) lần thứ X nhiệm kỳ 2010-2015 tổ chức vào ngày 9/8 xác định.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới, Đảng bộ thành phố Huế chú trọng công tác xây dựng Đảng lớn mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền.
Tiếp tục phát huy tối đa lợi thế của Cố đô, thành phố có hai di sản văn hóa thế giới để đầu tư khai thác có hiệu quả phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội bền vững, thành phố phấn đấu trong hết nhiệm kỳ kết nạp được 1.300 đảng viên; 100% tổ dân phố, trường tiểu học, trường mầm non công lập, các doanh nghiệp có đảng viên được thành lập chi bộ; không có chi, đảng bộ cơ sở yếu kém...
Ông Nguyễn Kim Dũng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Huế cho biết, để đạt được những mục tiêu nêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tập trung thực hiện xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công khai các quy hoạch sử dụng đất, kiến trúc đô thị, quản lý xây dựng đô thị, phát triển hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách có chất lượng, kêu gọi đầu tư sớm mở đường bay quốc tế đến Huế...
Hoàn thành dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước mặt và xử lý nước thải; đầu tư nâng cấp hệ thống cầu đường, lề đường, điện chiếu sáng đô thị, ngầm hóa hạ tầng bưu chính viễn thông, chỉnh trang công viên, điểm xanh, cây xanh đường phố... để đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, thành phố Festival.
Thành phố Huế cũng có chính sách cụ thể khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh dịch vụ có lợi thế như du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các hoạt động nghệ thuật, lễ hội hấp dẫn, phong phú để nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường du lịch trong và ngoài nước.../.
Nguồn: TTXVN