Vườn Quốc gia Bái Tử Long (VQGBTL) thuộc huyện Vân Đồn có diện tích 15.783 ha, bao gồm 6 đảo lớn và 24 đảo nhỏ, với diện tích khoảng 6.125 ha; còn lại là diện tích mặt biển (9.658 ha).
Nếu 6 đảo lớn và 24 đảo nhỏ nói trên chính là khu bảo tồn sinh thái, với nhiều loài động, thực vật phong phú, đa dạng, thì phần diện tích mặt biển, với những đảo đá nom rất giống hình các con vật, tạo ra một “vườn tượng” độc đáo trên Vịnh Bái Tử Long...
Các đảo đá đó đều tập trung ở khu vực Trà Thần, gần đảo Cái Lim, khu vực quản lý của VQGBTL. Đầu tiên phải kể đến Hòn Rùa, nom rất giống một con rùa biển. Có ý kiến cho rằng nên lấy đảo đá này làm biểu tượng đặc trưng cho Vịnh Bái Tử Long, vì bờ biển Quảng Ninh chủ yếu là khu vực Bái Tử Long, được xác định hiện đang tồn tại 5/7 loài rùa biển có nguy cơ bị tuyệt chủng. Bên cạnh những “bức tượng” đơn lẻ như vậy, còn có những “cụm tượng” như hai hòn đảo “lạc đà con” và “lạc đà mẹ”. Có “tượng đơn”, có “cụm tượng”, trong các hang động ở Bái Tử Long lại còn có những “bức phù điêu”; chẳng hạn như ở hang Dơi (gọi như thế là bởi ở đây có rất nhiều dơi) có một nhũ đá nom rất giống đầu một con voi có cả tai, vòi, mắt rất sinh động; ngoài ra còn rất nhiều nữa những hòn tượng muôn hình vạn trạng để du khách khi đến đây thoả sức tưởng tượng...
Nói cách khác, cùng với giá trị bảo tồn thiên nhiên, những “tác phẩm điêu khắc” mà thiên nhiên đã sáng tạo ra này càng làm cho VQGBTL thêm hấp dẫn. Đây thực sự là những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch ở khu vực này.
(Nguồn: Báo Quảng Ninh)