Đường liên xã ngoằn ngoèo.
Lên đò qua sông Cầu, đặt chân đến Thổ Hà, qua làng Vân thơm nồng mùi rượu, du khách đi tiếp độ dăm cây số nữa thì đến chân núi Bổ Đà, đối diện có Phượng Sơn chầu về.
Dưới chân núi ấy cây cối hoang sơ và trầm mặc; lấp ló trong những rêu mốc và dây leo là mái chùa Tứ Ân cổ kính (còn gọi chùa Bổ Đà). Con đường vào chùa được lát bằng đá muối, bao bọc xung quanh chùa là hệ thống hào thoát nước và hệ thống trình tường (tường đất) cao độ hai mét, xanh rì những rêu phong trầm tích.
Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (tức chùa La) nơi đây từng là một trong hai chốn tổ lớn nhất của đất Kinh Bắc xưa.
Chùa hình thành từ quãng cuối nhà Lê.
Các trụ trì truyền đăng tục diệm đến nay đã được mấy mươi đời. Vườn tháp bên chùa, trên cổng có bức hoành phi: tổ chi lâm (rừng tổ).
Ai mới bước vào cũng bị choáng ngợp bởi cảnh đẹp vườn tháp. Gần 100 ngôi tháp lớn nhỏ nằm uy nghiêm trầm mặc từ cổng vườn chạy cao dần lên đến tận núi.
Những mảng tường lở xói, trơ ra gạch vữa hằn dấu thời gian. Những thân dương xỉ và cây gai dại tranh thủ mọc bám lên tận đỉnh tháp.
Những tháp ấy chính là mộ táng của những vị trụ trì xưa, sau khi các ngài đã đi vào cõi tịch diệt miên viễn vĩnh hằng.
Một lần về với Bổ Đà là một lần về với chốn tổ.
Đến thăm chùa, dĩ nhiên không thể nào không qua vãn cảnh vườn tháp, nhặt từng hạt châu sa đỏ thắm, ngắm từng mảng rêu non dưới chân.
Lúc ấy, con người tự dưng sẽ muốn ngả lưng xuống thảm cỏ để mãi ngắm nhìn tầng tầng lớp lớp các đỉnh tháp đang cùng nhau vươn lên nền trời xanh thẳm và để cảm nhận được rõ hơn vẻ đẹp của quá khứ đang vọng về trên mảnh đất này.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị) |