Nằm bên bờ nam sông Mã, Đông Sơn là một làng nhỏ bên cạnh cầu Hàm Rồng, giữa vùng đồng bằng hạ lưu sông Mã, nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống. Đến với Đông Sơn là đến với một không gian văn hóa lâu đời, giàu truyền thống. Hiện nay, người dân Đông Sơn đa phần vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống ngàn đời cha ông để lại.
Dấu son từ lịch sử
Làng quần tụ dựa vào lưng núi Rồng. Phía trước làng là cánh đồng rộng, màu mỡ, xung quanh ba phía của làng là những núi đá nhỏ, đồi đất thấp nằm xen kẽ lẫn nhau có hình dáng kỳ dị, dân gian cứ theo đó mà đặt tên cho từng quả đồi, ngọn núi. Hàm Rồng vốn là tên riêng của ngọn núi hình đầu rồng với cái thân uốn lượn như một con rồng từ làng Giàng theo dòng sông Mã bên phía bờ nam. Trên núi Rồng còn có động Long Quang có hang ăn thông sang bên kia như hai mắt rồng. Sách Minh Trí nói về danh sơn kể tất cả hai mươi mốt ngọn, trong đó có núi Hàm Rồng được tôn "Đệ nhất là Long Đại". Chung quanh núi Hàm Rồng còn có nhiều ngọn núi trông rất ngoạn mục như Ngũ Hoa Phong có hình năm đóa hoa sen chung một gốc mọc lên từ đầm lầy; núi Phượng, núi con Voi có động Tiên và chùa Tiên Sơn. Động Tiên mới được phát hiện gần đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn; có ngọn Phù Thi Sơn trông xa như một người đàn bà thắt trên mình một dải lụa xanh nằm gối đầu vào thân rồng. Rồi núi Mẹ, núi Con như hình hai quả trứng, núi Tả Ao, vũng Sao Sa có nước trong vắt quanh năm. Rồi núi Con Mèo, núi Cánh Tiên với huyền thoại về những nàng tiên giáng thế... Ít có một làng quê Việt Nam nào có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục như làng cổ Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn được xem như một "niên biểu" về sự phát triển liên tục từ buổi các vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Theo dòng lịch sử có thể thấy lịch sử của làng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh.
Từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp hình thành và phát triển lâu đời, có vị thế trong khu vực. Phát hiện về di tích làng cổ Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm đã mở ra chương mới cho việc nghiên cứu văn minh Việt cổ thời dựng nước đầu tiên. Từ đầu thế kỷ XX, Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới: Văn hóa Đông Sơn. Văn minh Đông Sơn đã trở thành một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước, trống đồng Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng, trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh. Sau thời kỳ huy hoàng của văn hóa Đông Sơn, suốt ngàn năm Bắc thuộc, làng cổ Đông Sơn vẫn nằm trong địa bàn quan trọng của vùng đất Cửu Chân. Dấu vết khu cư trú, khu mộ táng của các thời kỳ: Hán, Đường, Lục Triều được phát hiện ở làng Đông Sơn đã cho thấy sự phát triển liên tục của vùng đất này trong thời kỳ giao thoa văn hóa Việt - Hán và các giai đoạn phát triển kế tiếp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Trong tương lai làng Đông Sơn sẽ được quy hoạch, bảo tồn để trở thành một trong những làng cổ điển hình của làng quê đất Việt.
Làm giàu từ trống đồng
Năm 1924 được coi là năm nền văn minh Đông Sơn phát lộ. Từ đó, chưa một ai đúc lại được trống đồng. Trước năm 1975, các nhà quản lý văn hóa Việt Nam đã hơn 4 lần tìm cách đúc thử trống đồng, nhưng hoàn toàn thất bại. Mãi đến năm 1975, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã mới đúc "thành hình" phiên bản trống đồng Ngọc Lũ. Thành hình chứ không phải thành công, vì phiên bản này vẫn nặng hơn nguyên bản đến... gần nửa tạ, thành trống dày hơn hẳn vì sợ thủng, hoa văn mờ tịt. Cho đến hơn 30 năm sau mới có tin người Thanh Hóa đã đúc được phiên bản trống đồng. Gia đình Nghệ nhân Lê Văn Du 82 tuổi đã nghĩ ngợi mất nhiều ngày rồi quyết định sử dụng tất cả các phương pháp của người xưa để đúc trống đồng mà bố con cụ đã quan sát được: Làm khuôn 3 mang ngoài, gồm 1 khuôn mặt, 2 khuôn thân. Khuôn trong, còn gọi là "thao" khi ghép với khuôn ngoài thì được một bộ khuôn hoàn chỉnh. Chất liệu làm khuôn cũng là đất sét, vỏ trấu. Lựa chọn hợp kim đồng - thiếc - chì cũng là một hợp kim mà người xưa đã sử dụng, rồi tạo ra hệ thống các con kê định vị để đóng vào khuôn mặt và khuôn ngoài của trống cũng là cách người xưa làm để tránh cho khuôn bị xê dịch khi rót đồng. Chúng tôi đến khi gia đình cụ Du đang đúc đồ thuê. Một chiếc khuôn đổ trống khổng lồ với con kê định vị to như đống rơm nằm im lìm ở sân sau, cạnh ao bèo, phủ bạt, chờ ngày phá cổng đưa ra cho thiên hạ ngắm. Mỗi chiếc khuôn trống vẽ tay bằng tre, xương vót nhọn chỉ dùng được một lần, đổ xong là bỏ, lỡ hỏng phải làm lại từ đầu. Vậy nên trống đồng chẳng khác gì người, có cao có thấp, có đẹp có xấu, không một chiếc nào giống nhau hết cả. Giờ thì dân Đông Sơn sống bằng nghề đúc trống đồng, đồ đồng. Người làm trống Quảng Xương, người làm trống Hoằng Hóa, người lại đúc trống Sông Đà.... Xứ trống đồng đang thay da đổi thịt từ chính những tổ vật truyền đời. Những người có tâm huyết với nghề còn muốn truyền lại cho con cháu họ ngón nghề, để chẳng những có thể gìn giữ bản sắc văn hoá, mà còn làm giàu được từ nghề.
Đúc trống và kiếm dâng Đại tướng
Một chàng trai trẻ tuổi đam mê nền văn hoá rực rỡ của Đông Sơn. Một ngày kia thành công trở thành nghệ nhân, anh đã cùng với những người thợ của mình đúc trống đồng và kiếm lệnh dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ đó thành ra nổi tiếng. Ở Xứ Thanh, bạn bè yêu mến gọi với cái tên thân mật là "Tùng trống". Cái tên gắn với nghề cũng là nghiệp của anh, cho anh vinh quang và cả những vất vả. Nhưng chưa bao giờ anh ân hận vì đã chọn nghề đúc và sửa chữa trống đồng. Tên thật của anh là Thiều Quang Tùng, sinh năm 1965, hiện sống ở Đông Tiến, Đông Sơn, Thanh Hóa. Gia đình đông anh em, tổ tiên không có ai theo nghề đúc trống, đến đời anh, bỗng nảy một nỗi khao khát khôi phục nền văn hoá Đông Sơn trên trống đồng. Bắt đầu từ năm 1999, anh đến làng Trà Đông thuộc huyện Đông Sơn để học, sau đó đi tìm hiểu rất nhiều nơi khác để thêm kinh nghiệm. Vốn là người say mê văn hoá và cổ vật, chẳng bao lâu, văn hoá Đông Sơn đã "ngấm" hẳn vào anh như chỉ lối cho đến ngày hôm nay.
Tùng kể lại: Vào dịp Thanh Hoá kỷ niệm ngày Di sản văn hóa (2007), nhà sử học Dương Trung Quốc có về dự. Sau lễ anh mời ông về xưởng đúc của mình chơi. Anh em trong Chi hội Di sản văn hoá Thanh Hóa có nhã ý tặng ông Dương Trung Quốc chiếc trống đồng đường kính 38cm. Ông Quốc nói: "Nếu anh em đã có nhã ý tặng tôi, xin để tôi toàn quyền quyết định về cái trống này. Tôi sẽ đem về tặng lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Anh Tùng và một số anh em khác nói: "Vậy thì chúng tôi sẽ đúc một chiếc khác tặng đại tướng, thể hiện được bản lĩnh và tầm vóc của Đại tướng. Còn chiếc này xin tặng ông". Ông Quốc gật đầu ưng thuận.
Anh em trong Chi hội Di sản và anh Tùng họp nhau bàn bạc để tìm ra cái cớ tặng cho hợp lý. Ngày 28/5 /2008, đúng là dịp 60 năm Đại tướng nhận phong hàm, nên sẽ đúc chiếc trống có đường kính 60cm và chiều cao là 48cm tương ứng với năm 1948 (nhận phong hàm). Anh Tùng cho biết: "Sau khi tính được kích thước đúng ý nghĩa với Đại tướng rồi, anh Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh có ý tưởng rằng cụ Giáp là nhân vật gắn với 2 cuộc kháng chiến. Tôi với anh Sơn bàn nhau sẽ đưa hình ảnh của hai sự kiện là chiến thắng Điện Biên Phủ và xe tăng đánh vào cổng Dinh Độc Lập lên thân trống. Chiếc trống này vẫn mô phỏng theo trống tìm thấy ở Quảng Xương (Thanh Hóa, hoa văn giữ nguyên theo nét trống Quảng Xương. Tang trống còn giữ nguyên họa tiết thuyền và người, phản ánh đời sống sông nước của người Việt cổ". Thân trống được đúc làm 2 phần chia 2 nửa. Một nửa có hình cắm cờ trên hầm Đờ Cát ở Điện Biên Phủ, nửa kia có hình xe tăng tiến vào Dinh Độc lập. Chiếc trống này là công đóng góp của gần chục người thợ, nhưng anh Tùng là người đóng góp cả sức người sức của. Anh và những người thợ của mình cần cù, làm gấp gáp trong 45 ngày. Đến mai là ngày phải bàn giao thì 4 giờ chiều hôm nay mới xong. Ngoài trống đồng ra, anh Tùng và anh Hồ Quang Sơn còn có thêm ý tưởng đúc kiếm lệnh dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp này. Kiếm cũng mô phỏng kiếm cổ Đông Sơn. Chuôi kiếm có 2 tượng kiếm. Trên 2 tượng kiếm có khắc họa 2 hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến. Kháng chiến chống Pháp bộ đội đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ. Bộ đội thời chống Mỹ đội mũ tai bèo mặc áo xanh. Để hoàn thành cây kiếm đặc sắc này, anh Tùng phải mất 20 ngày. Tôi hỏi: "Đúc trống và kiếm lệnh Đại tướng, anh có nghĩ đó sẽ là một sản phẩm đặc biệt hơn những chiếc trống bình thường?". Anh Tùng trả lời: "Tôi làm với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tướng tài được cả thế giới biết đến. Tôi thấy thật vinh dự được tham gia vào công việc đúc trống và kiếm dâng tặng người".
(Nguồn: Báo Thanh Hóa)