Người ta thường tìm về Thu Xà (nay thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) để thăm di tích văn hóa quốc gia chùa Ông và phần mộ Bích Khê - thi sĩ thuộc trường phái thơ tượng trưng nổi tiếng đầu thế kỷ 20 và lắng lòng mình trong phố xưa...
Người ta thường tìm về Thu Xà (nay thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) để thăm di tích văn hóa quốc gia chùa Ông và phần mộ Bích Khê - thi sĩ thuộc trường phái thơ tượng trưng nổi tiếng đầu thế kỷ 20 và lắng lòng mình trong phố xưa...
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, trong nhiều thế kỷ trước Thu Xà là thương cảng lớn ở vùng Trung Trung bộ, chỉ đứng sau Hội An (Quảng Nam) và hơn hẳn Tam Quan (Bình Định). Nơi đây hiện còn dấu vết của con sông đào, những ngôi nhà cổ thấp thoáng trong những xóm làng bình yên ở vùng hạ lưu nơi con sông Trà Khúc, sông Vệ giáp biển.
Từ ngã tư chính của TP Quảng Ngãi nằm trên đường Quang Trung rẽ về hướng đông theo đường Lê Trung Đình qua những xóm làng bình yên, những vườn cây trái ngút ngàn xanh chừng 10km là về đến Thu Xà.
Men theo lối cũ, du khách tìm về chùa Ông - một di tích văn hóa lích sử Quốc gia.
Ông Từ Quang Tuấn có dòng dõi ở Phúc Kiến - Trung Quốc, hiện đang cai quản ngôi chùa kể: Từ nhiều thế kỷ trước, bà con Hoa kiều thuộc 18 dòng họ từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam (Trung Quốc) đã sang đây bằng đường biển. Thấy vùng đất sa bồi Thu Xà hình bán nguyệt lọt thỏm giữa hạ lưu con sông Trà Khúc và sông Vệ nằm sát biển Cổ Lũy và Cửa Lở phù hợp với việc giao thương, buôn bán nên đã chọn nơi này làm quê hương.
Cộng đồng Hoa - Việt hình thành từ đó. Họ đã lập nên phố xá theo hình chữ Đinh, lập hội quán, nhà cửa, chùa chiền và đặc biệt là đào con sông Đào chạy dọc phố tạo nên cảnh trước phố, sau bến sông, cho thương thuyền vào tận nơi ăn hàng.
Các nguồn lâm sản dồi dào của Quảng Ngãi như quế Trà Bồng, chè Minh Long, mật ong, sa nhân từ Sơn Hà, Sơn Tây, rồi mía đường ở các huyện đổ về đây để thương lái khuân xuống thuyền chở đi muôn nơi và khi trở về trong khoang thuyền đầy ắp hàng tơ lụa, đồ gốm, thuốc bắc.
Quảng Ngãi vốn là xứ mía đường. Từ bàn tay tài hoa của người thợ Thu Xà đã làm nên món kẹo gương từ lâu trở thành đặc sản của xứ Quảng...
Đến đầu thế kỷ 20, khi thị xã Quảng Ngãi được hình thành và hệ thống đường bộ phát triển, Thu Xà mất đi vai trò của một thương cảng.
Rồi chiến tranh. Thu Xà trở thành vùng đệm quanh thị xã Quảng Ngãi nên chính quyền Sài Gòn đã dội bom pháo xuống đất này làm cho nhà cửa, chùa chiền tan hoang chỉ còn lại mỗi ngôi chùa Ông.
Chùa Ông thờ Đức Quan Thánh và hàng trăm tượng đồng nhưng không hề có sư sãi và kinh kệ. Tuy vậy, ngày rằm, mồng một âm lịch và nhất là dịp Tết Nguyên đán, hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đổ về Thu Xà, thắp hương, nguyện cầu ở chùa Ông.
Sau khi thăm chùa, du khách thường theo con đường thô sơ hướng về phía biển. Ngắm cửa biển Đại Cổ Lũy xưa mà nghĩ về một thời phố cổ hay vừa ngắm những con thuyền đậu san sát nhau trong ánh chiều tà tại vùng biển cửa Lở, vừa nhấm nháp bát don quê - một đặc sản của xứ Quảng, là cái thú của không ít người khi tìm về vùng đất này.
Về Thu Xà chẳng ai quên thăm mộ Bích Khê. Thi nhân tài hoa là tác giả của những tập thơ Tinh Hoa, Tinh Huyết nổi tiếng này vốn sinh ra ở xã Phước Lộc, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Ông sinh năm 1916 và mất năm 1946 vì bệnh lao phổi ở Thu Xà.
Ngôi mộ đơn sơ của người thi sĩ tài hoa nhưng có cuộc đời đầy chìm nổi giờ vẫn nằm trong nghĩa địa thôn Hòa Phú sát bên Hội quán xưa...
(Theo_Tuoi tre)