Cầu Đất là một địa danh nằm ở ngoại ô thành phố Đà Lạt. Từ bao năm nay, nơi đây được biết đến bởi những con dốc cong, những lũng sâu đổ sương mù và những ngôi nhà bềnh bồng trên triền núi... Đến đây, ai cũng ngỡ như mình đang lạc vào một thế giới rất riêng tư.
Trong lịch sử hình thành Đà Lạt, theo hồi ký của bác sĩ Yersin, ngày 21-6-1893 ông đã tìm ra Đà Lạt. Để mở đường lên Đà Lạt, con đường lúc bấy giờ là con đường mòn, trong khi người Pháp lại mở con đường vòng băng qua Phinom, thác Prenn để lên Đà Lạt. Mãi sau này con đường đèo Đơn Dương mới được mở vào năm 1907-1915.
Khi mở con đường, người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp của miền đất mang tên Cầu Đất (nay thuộc xã Xuân Trường, Đà Lạt). Ngoài việc đem các giống hoa, rau xanh, cây ăn trái trồng ở Đà Lạt, vùng Cầu Đất vốn là nơi cao nhất Đà Lạt này (1.650m so mặt biển) còn được chú ý để phát triển cây trà.
Khởi đầu chỉ là những đồn điền trà của những người Hà Lan và Pháp trồng vào năm 1922. Đến năm 1927, người Pháp mới chính thức lập ra Sở trà Cầu Đất, mua một số máy móc từ nước ngoài đem về. Trải qua 80 năm, Cầu Đất trở thành cái nôi của vùng trà Lâm Đồng với 230ha đồi trà, dù hiện tại nơi trồng trà nhiều nhất lại là Bảo Lộc.
Trong Lễ hội văn hóa trà tháng 12-2006 tại Đà Lạt, Công ty cổ phần trà Cầu Đất đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn khiến nhiều du khách tìm đến. Nằm cách Đà Lạt đến 22km, nhưng cho đến nay, tour du lịch về miền trà trăm năm quả thật đã gây ấn tượng cho bất cứ ai tìm đến Cầu Đất.
Vượt qua khu vực thị tứ Cầu Đất, ngay vòng ôm cua cách đó gần 2km đã nhìn thấy những đồi trà xanh ngắt. Tấm bảng tương tự tấm bảng cách đây 80 năm khi thành lập Sở trà Cầu Đất đã được dựng lại nằm ngay lối vào, tiếp nối là những con đường uốn vòng cao thấp hứa hẹn cuộc hành trình đến với miền đất trà 80 năm tuổi nhiều bất ngờ lôi cuốn.
Ông Nguyễn Văn Khanh, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty cổ phần trà Cầu Đất, là một người dày dạn kinh nghiệm về cây trà. Sống trong vùng trà Bảo Lộc, liên tục làm việc trong ngành trà đến khi về đây làm việc, năm 2005, ông đã bắt tay vào việc mở một tour du lịch về vùng trà Cầu Đất.
Ở Cầu Đất có những thế hệ cha truyền con nối làm trà. Điều kỳ diệu ở đây chính là những chiếc máy sản xuất trà được người Pháp mua đem về hoạt động suốt hơn 80 năm "vẫn chạy tốt", đó là năm chiếc máy vò trà, máy sàng phân loại, máy sàng tơi... Trước khi vào thăm những chiếc máy gần trăm năm, bạn có thể dừng chân ở một căn nhà làm bằng gỗ, lưng chừng trên đồi trà để thưởng thức những bát trà xanh.
Bên đồi trà xanh ngắt, nhấm môi thưởng thức từng ngụm nhỏ, bạn sẽ nghe vị trà ngọt đến lạ, ngon như chưa thưởng thức được loại trà nào ngon như thế.
Bộ đồ pha chế trà | Trà tươi |
Gần khu vực sản xuất, bạn còn tận mắt xem hai cây trà cổ thụ được tuyển từ vườn trà cổ của công ty. Cây trà đã 80 tuổi nhưng vẫn có thể cho thu hoạch những lá trà non để pha chế ra những loại trà ngon nhất. Bạn cũng có thể theo chân người hướng dẫn bắt đầu đi khám phá vườn trà cổ nằm dưới thung lũng, nơi có 1ha được giữ lại làm điểm tham quan cho du khách.
Các cây trà cao, tỏa bóng bên cạnh hồ nước tạo cho người tìm đến cảm giác khoan khoái. Nếu thích, bạn có thể hái ngay những lá trà cổ đó để pha chế cho mình một ấm trà tại chỗ.
Để thưởng thức trà, ngay tại khu vực riêng trong công ty, có một không gian bàn ghế bằng gỗ lũa và những đồ pha chế bằng đất nung. Những lá trà non hái về để trên sàng, bình nước để trên lửa đỏ, khách cứ bỏ trà vào, đợi nước ngậm trà, chế ra mà uống. Uống trà ở đây chỉ trong tách nhỏ, uống từng ngụm mới ngấm được vị ngon. Bên ấm trà giữa trời Đà Lạt, bạn sẽ nghe những bậc tiền bối từ thời sở trà thành lập đã có mặt như Nguyễn Thị Luyến, Chín Sỏi... kể chuyện làm trà...
Cuộc hành trình về miền trà xưa như thế chỉ mới là bắt đầu, bạn thử ở lại trong đêm mới hiểu tại sao ở dây có loại trà tên là trà “tuyết sương”. Cầu Đất quả thật là miền đất kỳ diệu, quanh năm đều phủ sương đêm. Ban đêm ngắm sương phủ la đà trên những đồi trà là cảm giác lạ khiến cho người chứng kiến tưởng như mình đang lạc vào cõi thiên thai.
Trong tour du lịch về miền trà, thức đêm cùng sương cũng là một phần của chuyến ruổi dong. Và cũng chính nhờ quanh năm ướp lá trong sương mù như thế, nên vị lá trà Cầu Đất khác xa với những nơi khác.
Cách trung tâm vườn chè Cầu Đất 5km lại có một hang sâu xuyên trong lòng núi: Hang Dơi. Không biết dơi đã trú ẩn từ đó bao giờ, nhưng cũng trong đêm mù sương đó, theo hướng dẫn viên len theo con đường đồi, đến tận hang dơi, rọi đèn ngắm nhìn chúng bay xào xạc cũng là cảm giác mạnh.
Đến miền trà cổ trăm năm, tận hưởng cái lạnh bốn mùa của núi đồi, đắm mình trong xanh ngắt vườn trà, uống tách trà pha với ngọn trà chỉ vừa mới ngắt đã là điều rất riêng... Du lịch đôi khi còn là sự trải lòng mình với thiên nhiên, và hòa trộn.
(Theo: Tuổi Trẻ)