Lam Kinh là kinh đô tưởng niệm các triều vua của nhà Hậu Lê, ngày xưa còn được gọi là Tây Kinh. Nằm cách thành phố Thanh Hoá 52km về phía tây bắc, Lam Kinh được xây dựng ngay trên đất Lam Sơn, nơi phát tích nhà Hậu Lê, thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân ngày nay.
Khu di tích này gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên. Năm Quý Mùi (1433), sau khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) băng hà, di hài ông được mang về an táng nơi đây và Lam Kinh được dựng lên.
Thành điện Lam Kinh phía bắc dựa vào núi Dầu (Du Sơn); phía nam nhìn ra sông Chu, xa xa là núi Chúa; bên trái là rừng Phú Lâm; bên phải là núi Hương. Khu hoàng thành, cung điện và Thái miếu được bố trí xây dựng theo trục nam – bắc, trên một khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ vương trong chữ Hán. Mặt trước ngoài hoàng thành khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có xây hai bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc. Sông Ngọc là con sông đào, bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Bắc qua sông Ngọc là Tiên Loan Kiều, còn gọi là cầu Bạch. Qua cầu khoảng 50m thì đến một giếng cổ, bờ giếng phía bắc có lát bậc đá lên xuống, gọi là bến nước.
Bậc cấp từ sân chầu dẫn lên chính điện |
Từ cầu Bạch đi vào, khu chính của di tích Lam Kinh được chia thành ba phần nằm trên ba bậc theo thế dốc của triền đồi: sân chầu, chính điện (thờ cúng) và trên cùng là Vĩnh Lăng (lăng mộ Lê Lợi). Phía sau lăng là cánh rừng cổ thụ kéo dài đến chân núi.
Một di tích còn lại khá nguyên vẹn ở Lam Kinh, đó là bia Vĩnh Lăng. Nội dung bia nói về gốc tích, sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, người khai mở vương triều nhà Hậu Lê, do Nguyễn Trãi phụng soạn. Bia xây trên đỉnh một gò đất rộng, cao thoai thoải, cách lăng mộ Lê Lợi chừng 300m về phía nam. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,79m, rộng 1,94m, dày 0,27m, đặt trên lưng một con rùa cỡ lớn cũng làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối, có chiều dài 3,46m; rộng 1,94m; cao 0,9m. Trên thân rùa còn lưu lại nhiều dấu vết rõ nét vỏ áo các loài nhuyễn thể sống trong nước biển như trai, sò, ốc…
Phế tích Lam Kinh: những hàng chân cột khu chính điện |
Ngoài Vĩnh Lăng, trong khu di tích còn lại bảy lăng mộ khác của các vua và các bà hậu, trong đó có các vua Lê Thái Tông (Hựu Lăng), Lê Thánh Tông (Chiêu Lăng), Lê Hiến Tông (Dụ Lăng) và Lê Túc Tông (Kinh Lăng).
Hơn 570 năm đi qua, giờ đây Lam Kinh gần như một phế tích. Nhưng rải rác khắp nơi trên mặt đất, trong cỏ rậm của khuôn viên rộng gần 30 hecta này, đâu đâu bằng mắt thường cũng thấy được dấu vết của một vương triều từng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc. Đó là chưa biết trong lòng đất còn có những gì.
Đơn sơ lăng mộ Lê Lợi, người khai sáng nhà Hậu Lê |
Cũng muốn nói thêm, từ Lam Kinh đi về phía nam chừng 5km còn có đền Tép, thờ Lê Lai, vị tướng nổi danh đổi mạng sống của mình để cứu chúa từ thuở Lê Lợi mới dấy binh khởi nghiệp. Sau khi Lê Lai mất, chính Lê Lợi cho lập đền thờ này (làng Tép là quê hương của Lê Lai) và lệnh cho quân thần sau này làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày. Ngày đó bây giờ là ngày hai mốt tháng tám âm lịch hằng năm. Và, trong đền Lê tại thành phố Thanh Hoá, nơi tập trung 28 bài vị của các vua Lê và hoàng hậu, giữa điện thờ chính là bức tượng đồng Lê Lợi và hai bên tả hữu là tượng của Nguyễn Trãi và Lê Lai.
(Nguồn: Báo Thương mại)