Từ TP.Quy Nhơn đến thị trấn Phú Phong - huyện lỵ huyện Tây Sơn (Bình Định) - mất 40km, rẽ theo hướng Tây Nam chừng 7km thì đến Hầm Hô. Đây là một dải liên hoàn bậc thang gồm: Suối, thác, hồ, sông, lạch trải dài gần 2km men theo vùng hạ lưu sông Kút.
Truyền thuyết
Chuyện kể rằng cách đây hàng ngàn năm, ở vùng hạ lưu sông Kôn - sông Kút bây giờ không năm nào lại không bị hạn hán đe dọa. Năm ấy, hạn hán khốc liệt chưa từng có, con người khắc khoải trong đói khát, chết dần chết mòn. Tiếng gào thét, gầm rú kinh hồn vang lên dọc theo triền núi, như vừa hô hoán van xin, vừa trách móc thảm thiết rúng động đến Thiên đình. Thần Mưa đã hiện ra và tạo sông, tạo suối cứu vớt sự sống, cứu vớt sinh linh và tạo nên một vùng hạ du hai con sông, nối Tây Nguyên hùng vĩ với biển Đông rộng lớn. Hầm Hô hình thành cũng từ đó.
Hầm Hô luôn gắn liền với những truyền thuyết |
Còn trong lịch sử cũng ghi rõ, Hầm Hô là cứ địa hết sức hiểm yếu của nghĩa quân Tây Sơn khi mới dựng cờ khởi nghĩa và là căn cứ của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, Hầm Hô cũng là cứ địa hết sức hiểm yếu của du kích địa phương.
Hòn non bộ khổng lồ
Cảm giác hồi hộp pha lẫn một chút rờn rợn trong đường hầm cây xanh sâu hun hút chợt như vỡ oà ra khi thuyền ra đến vùng hồ. Bầu trời xanh ngút ngàn, nước trong vắt tận đáy, núi đá sừng sững đem lại một cảm giác bất ngờ, ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Đá dựng thành hàng như bức tường thành cao chót vót đầy vẻ hùng hiểm. Đá hiên ngang dựng đứng như một rừng gươm. Đá tiếp đá trùng trùng như một đội nhuệ binh đầy hào khí. Gió lồng lộng thoảng hương hoa rừng, từng làn sóng nước nhè nhẹ, yên ả vỗ vào mạn thuyền cho ta một cảm giác yên bình đến lạ. Vùng hồ nằm giữa hai triền núi đá như hai bức bình phong khổng lồ, xanh ngắt bởi cây rừng, thấp thoáng những bóng cổ thụ xoè ra mặt nước đượm màu trầm mặc.
Hầm hồ như một hòn non bộ khổng lồ, với sông suối bao quanh núi. |
Thuyền chúng tôi cập bờ ở "Vũng Trâu Nằm". Những chú "trâu" đá khổng lồ với chiếc lưng nhẵn thín được tạo thành bởi thời gian và dòng nước qua hàng triệu năm là điểm nghỉ chân thú vị của cả đoàn sau một thời gian dài bồng bềnh trên chiếc thuyền nan bé nhỏ.
Những rặng hoa sim tím biêng biếc, những khóm lan rừng rực rỡ từ kẽ đá buông mình đu đưa theo làn gió soi bóng xuống mặt nước tựa gương, ánh lên bóng nước lấp loá. Những tảng đá trắng nhẵn thín dưới ánh nắng mặt trời sáng lên những ánh hào quang lấp lánh tựa như những viên ngọc khổng lồ.
Hoà mình cùng vẻ đẹp thiên nhiên
Thấp thoáng trong rừng cây và rừng đá là những ngôi nhà sàn để du khách nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc sản ở đây là cá. Hầm Hô có nhiều loại cá : cá đá, cá niềng, cá trắng, cá chép, cá ngựa, cá trôi... Mùa mưa, cá từ sông Côn ngược dòng lên nguồn Đá Hàng để sinh đẻ và phải qua thác Hầm Hô mới lên được nguồn. Tương truyền rằng xưa kia, hàng năm cá tề tựu về đây để vượt thác, con nào vượt được thì hóa rồng nên thác còn có tên gọi là thác Cá Bay hay thác Vũ Môn. Có nhà thơ đất Bình Định đã cảm tác:
"Cố Bàn non nước còn thiêng mãi
Có thuở Hầm Hô cá hoá rồng".
Cảnh đẹp trữ tình của Hầm Hô. |
Ông lão dẫn đoàn đi còn kể cho chúng tôi nghe về món trứng kiến vàng - một món ăn chỉ độc nhất vào sâu trong Hầm Hô mới có. Đây vừa là thứ đặc sản hiếm có, vừa là phương thuốc chữa được nhiều bệnh tật.
Trời đã về chiều. Nắng đã dần tắt. Chúng tôi lại bồng bềnh cùng chiếc thuyền nan xuôi theo đường hầm quay trở lại bờ. Bác lái đò bảo "Muốn khám phá vẻ đẹp của Hầm Hô, hãy ở lại thêm một ngày, ngủ đêm trong "vườn địa đàng", sáng ra đi lên thác Dốc và hòn Trào sẽ không uổng phí một lần đến". Nhưng thôi, phải hẹn lần sau vậy để còn có dịp đến với Hầm Hô - trở về với thiên nhiên kỳ thú và thơ mộng. Chắc chắn là như vậy!
(Theo Laodong)