Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang (thường gọi là Miệt Thứ), nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, có hệ sinh thái đa dạng vào bậc nhất nhì của thế giới. Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Kiên Giang đã được công nhận là khu DTSQ thế giới tại Khóa 19 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (Hội đồng MAB), tổ chức ở Thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 23 đến 27-10-2006. Nơi đây có ý nghĩa rất lớn đối với nghiên cứu khoa học trong việc cải tạo môi trường thế giới trước hiểm họa của hiệu ứng nhà kính. Còn đối với du khách, đây là điểm đến tuyệt vời...
Cách TP Rạch Giá khoảng 50- 60 km nhưng phải mất khoảng 90 phút đi ô tô, khách mới đến Vườn quốc gia U Minh Thượng. Nếu xuất phát từ Cà Mau thì cũng phải mất chừng ấy thời gian. Nếu được hướng dẫn đi tắt thì quãng đường sẽ ngắn hơn nhiều: Bắt đầu vào quốc lộ 63 (Kiên Giang đi Cà Mau) ngay tại ngã ba Tắc Cậu (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, Kiên Giang), du khách sẽ thấy con rạch Cái Thia dọc theo đường bộ đổ ra Tắc Cậu. Băng qua sông Cái Bé bằng những chiếc phà nhỏ rồi vượt sông Cái Lớn đến U Minh Thượng (vùng Bán đảo Cà Mau cũ). Bước lên khỏi phà, bạn đã đặt chân đến Miệt Thứ. Được biết, mỗi con kinh cắt ngang quốc lộ đều được đặt theo thứ tự. Con kinh đầu tiên là Thứ Nhất, cứ thế đến kinh Thứ Mười Một.
Để đến U Minh Thượng thì từ thị trấn Thứ Ba hoặc đến cầu Thứ Bảy (huyện An Biên), rẽ trái rẽ thẳng đến huyện lỵ U Minh Thượng. Tại trung tâm huyện lỵ, du khách đi thêm khoảng 15 phút xe là đến hồ Hoa Mai- trong lòng U Minh Thượng. Vừa đến, khách sẽ bước lên những bậc thang sắt lên đỉnh tháp canh rừng để ngắm toàn cảnh rừng U Minh Thượng. Hồ Hoa Mai xưa là một trảng bom được giữ nguyên trạng. Ngày nay, nước ngập hồ quanh năm nên cá sinh sôi rất nhiều cùng với hệ sinh thái đất ngập nước mang đặc trưng của rừng U Minh. Gần đây, đôi chim già đẩy Java (hay già sói) thường xuất hiện ở khu vực quanh hồ tìm thức ăn. Mỗi chiều tối, một bầy heo rừng cũng ra khu vực này tìm thức ăn của người dân dành cho chúng...
Ban quản lý Vườn quốc gia U Minh Thượng tổ chức đưa khách tham quan rừng. Đi xuồng ba lá len lỏi vào rừng, du khách tha hồ liên tưởng, từ chuyện những chiến sĩ cách mạng ngày xưa luồn mình dưới tầm đại bác của địch đến những cư dân đầu tiên khai phá vùng đất này... Thích thú nhất là nghe kể chuyện Bác Ba Phi.
Ngồi xuồng chừng 20 phút, du khách sẽ đến “vương quốc” của đàn dơi hàng chục ngàn con. Một tiếng động cũng làm chúng hoảng sợ và nháo nhác bay khỏi cành cây đang ngủ làm đen cả một góc trời. Du khách tiếp tục qua những trảng nước rộng mênh mông- đó là những đầm thủy sinh đa dạng sinh vật. Những đám bồn bồn, sậy mọc tập trung như những cù lao giữa sông cái lớn. Trên đường đi, du khách hay gặp những quả trứng chim đẻ ngay trên lá bông súng nổi lênh đênh trên mặt nước. Có một sân chim rộng 44ha với khoảng 700.000 cá thể trong khu rừng này. Sân chim được bảo tồn theo vẻ hoang sơ vốn có. Tiếng chim ríu rít như một bản hòa tấu độc đáo giữa đại ngàn. Hệ sinh thái ở đây rất hấp dẫn các nhà khoa học. Với diện tích trên 21.000 ha, khu rừng này được xem là “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam Á và sự đa dạng sinh học nhất nhì thế giới. Nhiều loài động vật quý hiếm vẫn còn tồn tại ở đây, như: rái cá lông mũi, điên điển cổ rắn, giang sen, già đẩy Java, quắm đầu đen, hạc cổ trắng, đại bàng đen...
Tại một góc rừng nguyên sinh, du khách sẽ đi trên con đường lót bằng những cây tràm trên mặt nước. Thiên nhiên ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt. Những cây tràm bị ngã vẫn được giữ nguyên tư thế, không cho chặt đốn mang ra khỏi khu vực này. Đôi khi người đi phải khom người chui qua những cây tràm ngã vắt ngang đường đi. Đi rừng, du khách cần mang giày và ăn mặc kín đáo phòng hờ các loại vắt và sâu.
Đi một vòng khám phá U Minh Thượng chỉ mất khoảng 2-3 giờ, sau đó mời khách trở lại hồ Hoa Mai buông câu để bắt những chú cá rô mề lớn cỡ 3-4 ngón tay. “Chiến lợi phẩm” này mà nấu chua với trái giác và đọt choại rừng U Minh thì du khách lại muốn trở lại khu rừng này mà thưởng thức lần nữa...
Bài, ảnh: DU MIÊN(báo cần thơ)