Hoành tráng, công phu, sinh động và đậm đà bản sắc dân tộc, đó là tiêu chí của nhiều chương trình nghệ thuật lớn, được các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên đang ngày đêm dốc sức tập luyện để cống hiến cho khán giả thủ đô và cả nước trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau rất nhiều lần chỉnh sửa, giữ kín để tạo sự bất ngờ, tới thời điểm này, một số nội dung hấp dẫn của các đêm nghệ thuật mới được hé mở.
“Đêm huyền ảo hồ Gươm” nhuốm màu cổ tích
“Đêm huyền ảo hồ Gươm” là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động trong suốt 10 ngày đại lễ. Đúng như tên gọi của chương trình, cả không gian hồ Gươm trong đêm 01/10 sẽ “nhuốm màu cổ tích” và trở nên lung linh, huyền ảo với ánh sáng và âm thanh. Nếu mặt hồ nước là nơi xuất hiện của một tấm bản đồ Việt Nam khổng lồ được kết bằng hoa thì khu vực xung quanh hồ Gươm được tận dụng tối đa để tạo nên một sân khấu nghệ thuật liên hoàn.
Phần lễ hội “Đêm huyền ảo hồ Gươm” chính thức bắt đầu vào 20 giờ ngày 01/10, với lễ hội ánh sáng diễn ra xung quanh hồ có sự kết hợp của hình ảnh 3D qua hình chiếu lên màn khói phun sương và pháo bông nghệ thuật. Sân khấu phụ được thiết kế như những góc phố nhỏ Hà Nội, với một góc trẻ em chạy nhảy vui chơi và hát đồng dao, một góc dành cho gánh hàng rong bán hoa, hương; các bà các chị vào chùa lễ Phật dừng lại mua hương, hoa; hình ảnh những ông đồ già đang thảo những nét như “phượng múa rồng bay”...
600 bộ áo dài, thuộc các bộ sưu tập “Linh thiêng hào hoa”, “Nét rồng thiêng”, “Cổ và hoa”, áo dài hiện đại “Sắc thời gian”, hay “Xuân hạ thu đông” cũng lần lượt được trình diễn. Sân khấu 2 đặt tại phía Nam hồ Gươm, tượng trưng cho cửa ô phía Nam của Hà Nội, ô Đông Mác, mang tên “Nhịp điệu trẻ”. Trên sân khấu này, Hà Nội hiện lên với góc nhìn hiện đại và trẻ trung, thể hiện hơi thở của thời đại với các phần trình diễn của các ban nhạc trẻ đến từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng… Sân khấu 3 của hồ Gươm mang chủ đề “Thăng Long hội tụ”, không khí nơi đây được hâm nóng bằng các màn “Trống hội Thăng Long”, “Sóng đàn Thăng Long”...
Từ Lạc Long Quân - Âu Cơ đến thời đại Hồ Chí Minh
“Thăng Long - Hà Nội - Thành phố rồng bay” là tên gọi của chương trình nghệ thuật đặc biệt, điểm nhấn của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được tổ chức tối 10/10 tại sân vận động Mỹ Đình. Theo họa sĩ Hoàng Hà Tùng, người chịu trách nhiệm thiết kế sân khấu chính của đêm đại lễ, trống đồng sẽ làm trái tim của sân khấu “Thăng Long- Hà Nội- Thành phố rồng bay”. Phía sau sân khấu hình trống đồng có con đê hình vòng cung dài 75m, rộng 7m và cao khoảng 4,5m, trên con đê có 5 cửa ô hình cánh sen trắng. Nối giữa trống đồng và con đê là chiếc cầu màu đỏ, tựa như cầu Thê Húc ở hồ Gươm. Sau con đê là bức tường thành tượng trưng cho thành Cổ Loa xưa... Không quá cầu kỳ, phức tạp, nhưng sân khấu trống đồng ẩn chứa nhiều thông điệp.
Xoay quanh sân khấu chính, đêm nghệ thuật “Thăng Long - Hà Nội - Thành phố rồng bay” sẽ được khởi động với những màn trình diễn đầy huyền ảo của âm thanh, ánh sáng. Phần mở đầu với tên gọi “Quyết định trọng đại”, tái hiện lịch sử dân tộc ta từ thuở trời đất hỗn mang, mây mưa sáng tối, náo động hình thành đất và nước, cho tới khi mối nhân duyên giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ nảy nở, rồi “cha rồng mẹ tiên” sinh ra bọc trăm trứng, tượng trưng cho sự hình thành của dân tộc Việt Nam... Tiếp đó phần xuất hiện của Vua Lý Thái Tổ, cuộc dời đô lịch sử và sự hình thành Kinh đô Thăng Long...
Trong phần 2 của chương trình “Tinh hoa ngàn năm văn hiến”, lịch sử của dân tộc ta một lần nữa được vinh danh với chiến thắng Bạch Đằng. Vua Lê trả gươm cho rùa thần sau khi quét sạch bóng quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, rồi hình ảnh những đạo quân Tây Sơn thần tốc tiến ra Bắc để làm nên một Ngọc Hồi, Đống Đa lịch sử... Bên cạnh ý chí quật cường, quyết tâm đánh giặc còn có khung cảnh thanh bình, không khí thiền, với tiếng mõ chùa xa xăm, cùng một không gian thơ phú, sâu lắng trầm hùng, hình ảnh hoa đào Nhật Tân, nhắc mãi chuyện tình ngàn năm giữa người Anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ và người con gái tài hoa đất Thăng Long Lê Ngọc Hân...
Phần thứ 3 của chương trình “Thời đại Hồ Chí Minh - ngày hội non sông, thông điệp thành phố vì hòa bình”, ở đó Hà Nội hiện lên với đầy đủ sắc thái. Một Hà Nội lầm than trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, một Hà Nội quật cường trong những năm tháng “Toàn quốc kháng chiến”, một Hà Nội gan dạ trong 12 ngày đêm làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, một Hà Nội tưng bừng cờ hoa trong những ngày hát khúc khải hoàn... Và, một Hà Nội của ngày hôm nay, náo nức nhịp sống hiện đại, của phát triển nhưng không quên truyền thống, của bảo tồn nhưng vẫn phát huy và kế thừa giá trị suốt chiều dài của 1.000 năm lịch sử...
Nguồn: SGGP