Cứ mỗi độ tết đến Xuân về, khi cái giá rét đã bị đẩy lùi, khí trời ấm áp trong lành đã tràn ngập không gian mọi nẻo, cũng là lúc bản Mông bừng sáng như vừa hiện ra từ trong truyện cổ tích. Các chàng trai Mông trẻ trung, khoẻ khoắn, nhanh nhẹn với tay khèn, tay sáo; các cô gái Mông miệng tươi như hoa, xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ hoa văn, ánh lên muôn sắc màu tươi trẻ, nhộn nhịp kéo về hội xuân vào dịp “nào pê chầu” (tết chính) của người Mông. Họ say sưa trong những làn điệu dân ca mừng xuân, mừng đất nước, mừng cuộc sống mới tươi đẹp; những điệu múa khèn mạnh mẽ, uyển chuyển, điệu múa ô duyên dáng, trữ tình. Họ hết mình với những trò chơi dân gian truyền thống vui nhộn và đậm đà bản sắc như tù lu, bắn nỏ, kéo co... và nhất là Pa Pao một trò chơi dân dã luôn là lực hấp dẫn đối với tất cả mọi người, nhất là với nam nữ thanh niên Mông.
Về nguồn gốc trò chơi Pa pao độc đáo này, truyện xưa kể rằng: Xưa có một chàng trai Mông nhà nghèo, nghèo tới mức chàng không thể kiếm đâu ra một bộ quần áo còn lành lặn cho mình; không có cả con dao để làm cho mình một chiếc khèn mang đi hội sải sán. Chàng buồn lắm... Một hôm, ngồi buồn trên bãi cỏ, chàng tiện tay bứt cỏ rồi cuộn tròn lại thành một quả cỏ (pa pao). Chàng lại hái các loại hoa đẹp gài vào quả cỏ... Cầm quả cỏ trên tay sau một hồi ngắm nghía, chàng trai nhẹ nhàng tung quả cỏ lên cao. Chàng tung, chàng bắt, tung, bắt, lại tung, lại bắt... Quả cỏ bay trên không trung làm cho những dây hoa phấp phới trong gió trông thật đẹp mắt. Có nàng tiên xinh đẹp thấy quả cỏ của chàng chơi vui quá, nàng đã xin chơi cùng. Hai người chơi với nhau rất vui, nàng tiên quên cả việc phải về trời, nàng đã ở lại làm vợ của chàng trai và họ sống với nhau thật hạnh phúc. Trai gái trong hội sải sán thấy vậy cũng học theo chàng trai làm pa pao để chơi. Từ đó người Mông có thêm trò chơi mới và pa pao đã trở thành trò chơi để con trai, con gái người Mông vừa chơi vừa tâm sự, tìm hiểu, yêu thương nhau và rất nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Sau này để pa pao đẹp hơn, bền hơn người ta đã lấy vải để làm pa pao và đính thêm vào quả pao các dải vải nhiều màu.
Quả pao có dạng hình cầu, được làm bằng các lớp vải cuốn lại với nhau. Lớp ngoài cùng là một lớp vải mầu trang trí gồm nhiều miếng ghép lại bọc quanh bên ngoài. Pa pao có cách chơi đơn giản, dễ chơi và phù hợp với nhiều đối tượng, từ các cụ già đến các bạn trẻ nam nữ thanh niên tới các em nhỏ đều yêu thích trò chơi này. Trò chơi có thể diễn ra trên khoảng sân rộng hoặc một vạt đất tương đối bằng phẳng. Khi chơi pa pao người chơi được chia làm hai hàng đứng quay mặt vào nhau, có thể là một hàng nam một hàng nữ hoặc nam nữ đứng đan xen với nhau. Số lượng quả pao tương ứng với từng đôi một, người chơi tung quả pa pao cho người đối diện với mình ở hàng bên kia hoặc cũng có thể tung chéo sang người bên cạnh nếu muốn.
Khi tung, bắt pao người chơi còn có cơ hội để rèn luyện đôi tay thêm dẻo dai, chắc khoẻ, con mắt tinh tường và phản xạ nhanh, chính xác. Người chơi do đó có thể phán đoán được khoảng cách, hướng ném và điểm rơi để tung và bắt pao chính xác, không để pao bị rơi xuống đất. Khoảng cách giữa người tung pao và bắt pao không xa như ném còn nên người chơi vừa có thể chơi pao vừa có thể nói chuyện, hát đối đáp hoặc trao đổi tâm tư, tình cảm với nhau rất vui vẻ thuận tiện. Hơn nữa đối với nam nữ thanh niên Mông họ nảy pao không chỉ để vui chơi giải trí hay rèn luyện đôi tay, con mắt mà còn để tìm kiếm bạn đời. Các chàng trai chỉ cần quan sát quả pao một chút thôi là họ sẽ biết được cô gái mà mình đang theo đuổi có thùy mị, nết na, khéo léo, giỏi giang hay không, bởi lẽ các quả pao đều được sinh ra từ những bàn tay chăm chỉ của các cô gái, được các cô chú ý tới từng đường kim mũi chỉ nên quả pao sẽ tròn đều và bền đẹp. Và đó chính là cơ sở để họ nhanh chóng kết bạn và sớm đến với nhau.
Để thưởng thức và tham gia trò chơi Pa pao của người Mông, du khách có thể đến thăm các bản người Mông tại một số địa danh tiêu biểu như xã Hừa ngài (huyện Mường Chà), xã Tủa Xìn Thàng (huyện Tủa Chùa), xã Xín Thầu (Huyện Mường Nhé) Xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông)… vào các dịp lễ hội, nhất là trong mùa xuân./.