Huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) từ lâu được mệnh danh là “đất ngàn cau”. Tìm đến nơi đây không chỉ để vòng qua những cung đường đèo dốc, ngắm nhìn dòng sông Đăc Prinh - một nhánh của sông Trà Khúc - lững lờ trôi qua những núi đồi, mà du khách còn tha hồ ngắm nhìn rừng cau bạt ngàn, nhất là trong tiết tháng 8, tháng 9, đêm trăng sáng, bản làng, núi đồi tràn ngập hương cau...
Người Ka Dong ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây làm nhà ở dưới rừng cau |
Song đi theo tuyến nào cũng vượt qua quãng đường dài 100km, nhất là khi vào địa phận huyện Sơn Tây, trước khi đến huyện lỵ phải vòng qua dốc Hoắc Liên, dốc Ông Phó với những cung đường quanh co ngoạn mục trong tiết thu núi đồi bồng bềnh mây trắng.
Trẻ em đồng bào dân tộc Ka Dong thu hoạch cau non bán cho tư thương sấy xuất khẩu qua Trung Quốc |
Sơn Tây là “lãnh địa“ của đồng bào Ca Dong. Nếu như đồng bào Kor ở huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà sống nhờ cây quế, đồng bào H’re ở huyện Minh Long sống nhờ cây chè thì từ bao đời đồng bào Ka Dong “ăn chịu” với cây cau. Cau mọc tầng tầng lớp lớp, trên rẫy, bên đồi nương, trong bản làng. Đây là loại cau vú bò, trái dài đến tháng 7 tháng 8 thì ra trái tháng 11, tháng chạp thì chín vàng khắp sườn đồi.
Thời xa xưa và cả bây giờ, người Ca Dong lấy vườn cau làm thước đo cho sự giàu nghèo. Khi cha mẹ sinh con đã nghĩ ngay đến chuyện lập vườn, rồi con lớn dựng vợ gả chồng thì cho con cho vài trăm cây cau làm vốn, cho đất để tiếp tục trồng cau. Khi cau cỗi già thì người Ka Dong lo trồng lứa cau khác để thay thế. Và cứ thế, cứ thế, trên vùng đất này rợp bóng cau.
Trong những đêm trăng sáng vằng vặc đất trời, đúng mùa hoa cau nở, bản làng, đồi nương ngập ánh trăng, hương cau dìu dịu thoang thoảng cả đất trời. Bên nếp nhà sàn, chủ, khách cùng nhâm nhi chén rượu, ngắm ánh trăng, hít thở mùi hương cau.
“Thủ phủ“ huyện Sơn Tây được điểm tô bằng những vườn cau |
Những người dân ở phố cổ Thu Xà (nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà cha ông của họ đã kể cho con cháu nghe: Hồi thế kỷ 11 và đến những năm đầu của thế kỷ 20, khi TP Quảng Ngãi còn là đồng ruộng và chỉ có vài con đường thì Thu Xà - một thương cảng của Quảng Ngãi (mà theo sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chỉ xếp sau Hội An nhưng hơn hẳn Tam Quan, Bình Định với những hiệu buôn của người Hoa Kiều), từ mạn ngược Sơn Tây có nhiều con thuyền chở khẳm cau xuôi dòng Đăc Prinh, sông Trà Khúc về với Thu Xà. Từ đó, thương thuyền chở cau đi muôn nơi, trong Nam ngoài Bắc và cả nước ngoài.
Hồi đó và cả đến những năm cuối của thế kỷ 20, cứ sau những mùa hoa nở, rồi cau kết trái chín vàng trên sườn đồi, người Ka Dong hái trái đem bán cho người Kinh chẻ dọc trái cau lấy hạt đem sấy xuất khẩu qua Trung Quốc. Thời điểm bán cau túi rủng rỉnh tiền cũng là lúc bắt đầu thu hoạch lúa rẫy. Sau những ngày bận rộn chuyện đồi nương, đồng án người Ka Dong tổ chức lễ đâm trâu cúng Giàng, mong phù hộ cho cau sai quả, cho lúa chắc hạt trên đồi nương.
Cau mọc tầng tầng lớp lớp quanh bản làng |
Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc “ăn” cau non nên nhiều tư thương ở TP Quảng Ngãi lên lập lò sấy ngay tại Sơn Tây để sấy rồi chở qua Trung Quốc bán làm món kẹo cau mà người xứ lạnh ưa dùng. Với trên vài ngàn ha cau, hằng năm trái cau đã đem lại nguồn thu cho đồng bào dân tộc hàng chục tỉ đồng.
Nguồn lợi mà cây cau đem lại cho huyện miền núi này quả không nhỏ, nhưng còn hơn thế bởi người Ka Dong tự hào quê mình là “đất ngàn cau”. Người dân làm nhà sàn để ở, tổ chức lễ hội, cưới xin, cúng Giàng, múa hát, ăn thề dưới tán cau. Và chính vì thế nên dù mặt hàng cau có lúc thăng, lúc trầm nhưng người Ka Dong đến mùa mưa là trồng cau và phạt vạ rất nặng những ai phá hại những vườn cau.
Thôn Ta Dô, xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây nằm bên dòng Đẳc Pinh rợp bóng cau |
Với người Ka Dong là thế. Còn với du khách, một lần đến Sơn Tây, dạo quanh những rừng cau, hít thở mùi hương thơm thoang thoảng của hương cau, nghe người dân kể về sự gắn bó của mình với loài cây trở thành thân thiết... khi trở về cứ hẹn đến mùa hoa cau nở, mùa cau chín vàng trên sườn đồi sẽ quay trở lại.
Theo TTO