Nằm ở phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn trên địa bàn huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ, Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn có diện tích trên 15.000 ha, có nhiều giá trị đặc sắc về mặt cảnh quan, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng, phong phú và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.
VQG Xuân Sơn cách Hà Nội 120km, cách TP Việt Trì 80km, phía tây nam tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, phía tây bắc giáp tỉnh Sơn La. Nơi đây hội nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút du khách đến tham quan. Thế mạnh của VQG là giá trị cảnh quan, giá trị sinh thái, đặc biệt là sự nguyên sơ của một vùng đất vốn chưa bị tác động nhiều từ bên ngoài.
Kết quả khảo sát sơ bộ thống kê được 365 loài động vật đang sinh sống trong VQG, bao gồm 69 loài thú, 240 loài chim, 32 loài bò sát, 24 loài lưỡng thể, trong đó có những loài quý hiếm như chim Hồng Hoàng, Cu li, rùa Sa Nhân, cá cóc sần...
VQG Xuân Sơn là một trong ba vùng đa dạng sinh học cao nhất của Việt Nam, đã xác định được 180 họ, 680 chi, 1.217 loài, trong đó 40 loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài tài nguyên cây cho gỗ với những loài có giá trị kinh tế cao như Lát hoa, Sến mật, Nghiến, Trai lý, Đinh... VQG còn là nơi sinh sống của nhiều loài cây làm thuốc, cây ăn trái, cây cảnh...
Không những thế, đồi núi có độ cao từ 300m - 1.400m kết hợp với hệ thống hang động, sông suối và rừng tự nhiên đã tạo cho VQG Xuân Sơn có cảnh quan đẹp hùng vĩ và hấp dẫn đối với du khách. Ở Xuân Sơn có những hang đá vôi kỳ thú, thạch nhũ trong hang tạo thành muôn hình vạn trạng, những lối vào nhỏ hẹp tạo cho du khách cảm giác thú vị, muốn tìm tòi khám phá; những lối mòn xuyên qua khu rừng nguyên sinh xanh mướt, nơi chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong các bản làng thưa thớt trong vùng qua lại...
Tại khu vực VQG Xuân Sơn hiện có đồng bào của 2 dân tộc chính là Dao và Mường. Họ sống trong những thôn bản nằm rải rác trong cả vùng đệm và vùng lõi của VQG. Đồng bào ở đây có tập quán sống dựa vào tự nhiên, canh tác trên đất dốc bằng cách phát, đốt cây cỏ, chọc lỗ gieo hạt, thả rông gia súc, vào rừng. Đời sống của bà con nhân dân ở VQG Xuân Sơn còn ở diện đặc biệt khó khăn. Phát triển du lịch bền vững là phương thức xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bảo tồn được hệ sinh thái của VQG Xuân Sơn. Mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều vườn quốc gia, địa phương trong cả nước. Chuyến khảo sát VQG do UBND tỉnh Phú Thọ và Tổng cục Du lịch tổ chức vừa qua đã cho thấy những hướng phát triển du lịch cho VQG Xuân Sơn. Tận dụng thế mạnh sinh thái của mình cùng với quy hoạch cụ thể theo hướng phát triển bền vững để bảo đảm cả về mặt kinh tế và giữ được sự hoang sơ vốn có của hệ sinh thái nơi đây, Xuân Sơn hoàn toàn có thể là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Dựa vào đặc điểm của VQG Xuân Sơn, có thể tập trung khai thác một số loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá rừng, núi, hang động, các loài động thực vật, du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu...; du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa, du khách có thể cùng sinh hoạt với người dân địa phương, tham gia các lễ hội truyền thống, các khâu sản xuất trong làng nghề...
Để biến ý tưởng thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm, còn phải giải quyết các khâu hạ tầng như điện, nước sinh hoạt, nơi ăn nghỉ, đường vào các hang động và các lối đi sâu vào các khu rừng nguyên sinh... Bên cạnh đó còn các điều kiện bảo hiểm, cứu hộ, xây dựng các bản làng với những nét văn hoá đặc trưng... Nhưng với quyết tâm của Ban Quản lý cùng với sự đồng lòng của người dân, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng các cơ quan hữu quan, hy vọng trong tương lai không xa VQG Xuân Sơn sẽ là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách, qua đó góp phần cải thiện đời sống bà con trong khu vực, đồng thời bảo tồn được hệ sinh thái độc đáo của VQG Xuân Sơn.
(Nguồn: Trung tam thong tin du lịch - TCDL)