Sò mồng đầm Cù Mông có dạng như sò huyết, chỉ khác vỏ nhẵn, mỏng có màu nâu hồng, trung bình mỗi con to bằng khu chén. Sò mồng được ngư dân khai thác bằng cách lặn bắt dưới mặt đầm. Sau khi bắt được, con sò được ngâm trong nước mặn vài giờ để cho các chất nhầy, rong bùn “nhả” ra hết rồi có thể chế biến thành món. Nào là sò mồng nướng, nào phi hành, hấp sả..., món nào cũng rất ngon.
Nếu ăn sò mồng nướng, sò mồng phi hành, thường bên chỗ ngồi phải có lò than. Với món nướng, người ăn ngồi xung quanh, gắp từng con sò bỏ lên lò than, bắt lửa, con sò co lại rồi tự động há nắp để lộ phần thịt mà nếu chưa ăn liền, cảm giác dịch vị dạ dày sẽ nôn nao. Nếu ăn sò phi hành, cũng làm đủ công đoạn như sò nướng nhưng đến lúc con sò vừa há nắp thì ta dùng dầu với hành đã phi sẵn với ít đậu phộng rang giã nhỏ chế lên trên phần thịt của con sò, đợi lửa nóng thêm một chút thì ăn được.
Riêng cách sò hấp sả là gọn và nhanh nhất. Kiểu này có thể ăn được số nhiều. Hấp sả bằng cách bỏ sò vào nồi với ít gia vị và sả giã dập, không chế nước, đậy nắp rồi bắc lên bếp cho nồi sò sôi độ 5 phút là tất cả các con sò đều chín, ra nước thấm đều. Có thể cho sò ra tô ăn dần, cũng có thể để nguyên trong nồi ăn nóng.
Dù chế biến cách nào, đặc điểm của con sò mồng là thịt nhiều, có màu trắng hồng, dai chắc, vị thơm ngon ngọt. Hình dạng phần thịt sò vo tròn, không có chứa chất bẩn như các loại ốc, vẹm, điệp mà chỉ có thịt và thịt. Ăn sò mồng kèm với các loại rau thơm, rau răm, xoài băm nhỏ, bánh tráng.
Nếu ăn món sò hấp, ta cũng không nên bỏ qua phần nước sò trong veo nguyên chất, cũng có thể lấy phần nước đem nấu tô cháo ăn mới thấy chất ngon béo ngọt mặn mà của nước cốt sò./.