Gà Đông Cảo (hay Đông Tảo) là loại gà quý hiếm của Việt Nam, do dân làng Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tuyển chọn, thuần dưỡng từ lâu đời. Tương truyền gà Đông Cảo là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa thời xưa. Nhiều người sính lễ nghĩa thường chọn làm đồ cúng tế.
Gà Đông Cảo thường nặng từ 5-7 kg/con, đầu hình gộc tre, thân giống con cóc, cánh như hai con trai úp, đuôi như nơm úp cá, mào mâm xôi, da đỏ chót, chân to sần sùi như chân voi. Thứ gà này đòi hỏi kỳ công chăm sóc và khó nuôi. Gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào.
Thứ gà tiến vua này lúc nhỏ da đỏ chót, chỉ lơ thơ lông, giống hệt gà cánh tiên. Đến khi lớn dày lông, thịt chắc nịch. Một con gà Đông Cảo to thường được chế biến 7 - 10 món mà món nào cũng độc đáo. Luộc, nấu đông, xáo măng, quay chảo, nướng lá chanh sao cho lớp da bên ngoài giòn, thớ thịt bên trong mềm thơm phức.
Các bộ phận khác cũng có thể chế biến nhiều kiểu lạ miệng, ví như lòng gà xào sả ớt ăn giòn tan, bùi bùi, cay cay. Bộ da rất dày, có thể nặng tới vài lạng, thường thái chỉ xào lá chanh hay chọn lấy phần da cổ thái nhỏ trộn thính nếp ăn kèm rau mùi, đinh lăng, lá sung cuộn lại, giòn sần sật.
Gà Đông Cảo được xem là quý hiếm và đắt tiền bởi việc duy trì giống không dễ dàng. Những con gà mái đẻ trứng xong thường dùng chân voi để đạp vỡ trứng nên người nuôi lấy được trứng của chúng rất khó. Ở Viện Chăn nuôi Việt Nam, có cả một dự án bảo tồn giống gà Đông Cảo.
Tiếng tăm gà Đông Cảo đã vượt xa khỏi những làng quê của huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đều có những nhà hàng chuyên phục vụ các món gà Đông Cảo. Thậm chí, có những người lùng mua giống gà quý này từ ngoài Bắc đem vào tận Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh để nhân giống, nuôi thương phẩm.