Gạo nương trồng bằng giống lúa mùa được gieo thẳng trên các loại đất cao, sườn núi, được khai phá thành nương rẫy. Xưa khi còn du canh, sau khi đốt rừng, dọn rẫy, người dân tộc gieo lúa bằng cách chọc lỗ bỏ hạt vào đầu mùa mưa. Lúa nương sống nhờ nước mưa, không có lớp nước ở chân. Ngày nay, phần lớn đồng bào dân tộc đã sống định canh, rẫy san dọn thành ruộng bậc thang, nhiều nơi dân chúng chuyển sang trồng lúa nước. Có người cho rằng, làm ruộng bậc thang trên lưng chừng núi là bước ngoặt lớn của nghề trồng lúa nước của người vùng cao Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có một vụ mùa gieo trồng vào đầu mùa mưa để có thứ gạo nương thơm thảo.<?
Nhiều khách du lịch thích lên các vùng cao Tây Bắc vào mùa này, đặc biệt như miền núi Sa Pa, Sơn La, Mai Châu… để thoả mắt ngắm nhìn những nương lúa chín vàng. Có nơi, đứng trên triền núi, hút hết vào tầm mắt là những ruộng bậc thang pha màu vàng – xanh trải dài mênh mông xen kẽ với mây núi. Đấy là thời điểm Tây Bắc bắt đầu vào mùa gặt lúa nương. Gạo lúa nương khi nấu chỉ cho nước vừa phải. Cơm có mùi thơm nhẹ, đậm và rất dẻo. Đặc biệt, người miền núi còn có món cơm lam nổi tiếng. Chọn loại gạo thật dẻo, ngâm nước độ 1 – 2 tiếng rồi vớt để ráo, cho vào ống nứa, bịt lá chuối lại rồi cho vào nồi nước luộc. Sau đó nướng trên lửa than. Gà sơn cước làm sạch, ướp với hỗn hợp muối é, ớt xanh, nướng trên lửa than đến chín vàng. Tay cầm miếng thịt gà nướng còn bốc khói, tay kia thỏi cơm lam để thưởng thức hương vị rừng núi thật gần.