Cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân làng Diềm (thôn Viêm Xá, xã Hoà Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) lại làm lễ tát nước giếng cho các “cụ cá”. Hiện thân của giếng nước trong và truyền thuyết về các “cụ cá” hơn 100 tuổi đã trở thành một nét văn hoá điển hình của làng quê tổ quan họ…
Truyền thuyết “cá chép hơn 100 tuổi”
Xung quanh câu chuyện về tuổi thọ của các “ngài cá”, ngay chính người dân làng Diềm cũng không xác định được "các ngài" ngự trong giếng Ngọc đã bao nhiêu năm.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn, Phó Ban quản lý đền Cùng cho biết, thì ngay như cụ Nguyễn Văn Thịnh, sống tới 102 tuổi (vừa qua đời năm 2008), khi còn sống cũng khẳng định: “Từ lúc còn nhỏ đã thấy “các cụ cá” bơi trong giếng Ngọc!”.
Hàng năm, cứ vào ngày 3/3 người dân trong làng Diềm lại tổ chức lễ tát giếng cho các "ngài cá" |
Ông Lộc khẳng định rằng, chưa có ai nghiên cứu tuổi của các “ngài cá”. Từ nhỏ, ai ai trong làng từ khi sinh ra rồi và trưởng thành cũng chỉ biết làng mình có các "cụ cá thiêng".
“Vào những ngày này, chỉ nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình mới được xuống giếng tát nước. Các cụ truyền lại thế, nên chúng tôi hàng năm vẫn làm vậy” - ông Lộc cho biết.
Hiên trong giếng Ngọc, theo ông Lộc, có 2 "cụ cá chép" đang sống, có màu hồng bạc. Vào những trưa nắng ấm, và những đêm trăng sáng "các cụ" còn hiện lên mặt nước tung tăng bơi lội, khách đến thăm có thể thoả sức nhìn ngắm.
Những ngày lễ Tết, người dân trong làng và khách thập phương lại đến thăm các "ngài cá" |
Theo người dân trong làng kể, trong trận lụt lịch sử năm 1971, khi nước ngập khắp cả làng, giếng Ngọc cũng bị nước phủ trắng thì các "cụ cá" cũng không bơi đi nơi khác mà vẫn "ngự im trong giếng".
“Sau trận lụt, nước rút, dân làng tiến hành dọn dẹp đình thì thấy các "cụ cá" vẫn bơi tung tăng trong giếng mà không có con cá nào bơi vào. Cá lạ bơi vào giếng Ngọc thì không sống được” - ông Lộc kể.
Dù có nước giếng khoan nhưng người dân trong làng vẫn lấy nước giếng Ngọc về ăn |
Truyền thuyết về các “ngài cá thần” làng Diềm còn truyền lại rằng, cá chép hồng là hiện thân của 2 nàng công chúa xinh đẹp thời vua Lý Thánh Tông. Một đêm hoàng hậu nằm ngủ, chợt thấy ánh hào quang rọi khắp nhà. Rồi từ ánh hào quang ấy, cá chép vàng hiện ra xin được đầu thai làm người.
Hoàng hậu sinh ra 2 nàng công chúa xinh đẹp đặt tên là Thuỷ Tiên và Ngọc Dung. Sau này, chính 2 nàng công chúa tài ba, xinh đẹp toàn phần đã giúp dân làng đuổi quỷ dữ và qua các cơn hoạn nạn…
Vào đúng dịp Tết Thanh Minh (3/3 âm lịch), hai nàng hoá thân thành cá chép và ngự ở giếng Ngọc. Từ đó, dân làng lập đền Cùng, thờ 2 vị công chúa…
Bà Hoa, người quét dọn chùa bảo: “Với người dân chúng tôi, ngày 3/3 hàng năm đều được xem như một ngày Tết đặc biệt, vì thường vào những ngày này không chỉ khách thập phương mà đặc biệt là con cháu của làng đi làm ăn xa nơi đất khách lại hội tụ về đây để gặp nhau, cầu mong các “ngài cá” phù hộ cho những điều tốt đẹp sẽ đến”.
Sự tích truyền lại là vậy, còn tuổi tác các “ngài cá” ngự ở giếng Ngọc, vẫn còn là câu hỏi với khách thập phương và các nhà nghiên cứu, mỗi khi đặt chân tới đền Cùng, giếng Ngọc - Di tích Lịch sử Văn hoá, đã được Sở Văn hoá-Thể thao- Du lịch Bắc Ninh công nhận.
Những mạch ngầm văn hoá
Khi giới thiệu với chúng tôi về đền Cùng, giếng Ngọc, ông Lộc còn nói thêm về những “công trình ngầm” dưới đáy giếng. Giếng Ngọc không chỉ xây dựng đơn thuần mà có 4 phần nối tiếp nhau theo kiến trúc đặc biệt.
Phần đầu là cổ giếng, sau các bậc gạch và bậc đá là cầu lim và duới cùng là những khối đá thiên tạo…Những khối đá thiên tạo có hình dạng kì thú mà mỗi năm người dân chỉ chiêm ngưỡng rõ ràng một lần vào ngày 3/3 âm lịch, khi làm lễ tát giếng.
Ông Nguyễn Văn Lộc bảo, kiến trúc của giếng Ngọc rất đặc biệt và có nguồn nước trong xanh bắt nguồn từ núi Kim Lĩnh |
Nước giếng đền Cùng cũng có vị ngọt khác thường, theo ông Lộc thì, nguồn nước trong vắt của giếng Ngọc được lấy từ mạch ngầm của núi Kim Lĩnh, những tia nước đọng lại trong núi chảy theo các mạch ngầm dưới đất đến giếng Ngọc…
Hiện nay, mặc dù làng đã có nước máy, nhưng người dân làng Diềm vẫn còn lấy nước giếng Ngọc để sinh hoạt.
Khi chúng tôi tới đền Cùng, giếng Ngọc thì anh Nguyễn Văn Đông, người dân thôn Viêm Xá đang múc 2 thùng nước giếng Ngọc về làm nước sinh hoạt. Anh Đông bảo: “Nhà có nước máy, nhưng lâu nay gia đình vẫn quen dùng nước giếng Ngọc làm nước ăn uống hàng ngày”.
Thói quen dùng nước giếng Ngọc trong sinh hoạt của người dân làng Diềm cũng được cụ Ngô Thị Nhi, một "liền chị" quan họ đã 87 tuổi của làng ghi nhận.
Cụ kể, trước đây, cứ mỗi lần các liền anh liền chị "chơi quan họ", hát đối với các làng khác thì mọi người lại uống nguồn nước giếng Ngọc để cho giọng hát được trong trẻo và sắc hơn. Con gái của làng chưa có chồng uống nước giếng Ngọc hát quan họ hay khiến các trai làng khác phải xiêu lòng.
(Nguồn: lenduong.vn)