Đoàn có hơn 30 người, hầu hết trong giới hoạt động lữ hành hai miền Nam Bắc. Phần lớn họ chưa quen biết nhau và tuổi đời lẫn tuổi nghề cũng chênh lệch khác nhau, nhưng có cùng mục đích khám phá những vùng đất mới lạ trên vòng cung Tây Bắc do Tổng cục Du lịch tổ chức.
Các cô gái Mông đỏ vùng Sìn Hồ trên đường về bản làng |
Bỏ qua những địa danh nổi tiếng nhưng khá quen thuộc trên tỉnh Sơn La, Điện Biên, chúng tôi đặt chân tới cầu Hang Tôm, chiếc cầu treo dây văng một thời được xem là lớn nhất miền Bắc.
Từ đây, ba chiếc xe 16 chỗ của chúng tôi bắt đầu men theo quốc lộ 12 quanh co triền núi giống như con rắn trườn lên phía trước. Nhìn xuống vực sâu là con sông Nậm Na, nhánh phụ lưu quan trọng hình thành sông Đà, đang chảy xiết, trắng xóa. Nhiều đoạn dòng nước uốn lượn qua nhiều khúc quanh tuyệt đẹp rồi lại xuất hiện xa xa bên những ngôi nhà sàn mộc mạc cheo leo rẻo núi. Khung cảnh toát lên vẻ đẹp hồn nhiên, hoang dã đã phần nào lý giải vì sao từ lâu khách nước ngoài cứ thích chu du vòng cung Tây Bắc đến quên cả trời đất.
Tiếc thay chẳng còn bao lâu nữa khi công trình thủy điện Sơn La hoàn thành, cả một vùng thị xã Lai Châu cũ (Mường Lay), cầu Hang Tôm, một phần đất Điện Biên, Sơn La cùng biết bao bản làng, thôn xóm ven sông sẽ bị nhấn chìm trong khu vực lòng hồ rộng lớn.
Sìn Hồ là tuyến điểm lạ, chưa ai biết đến, ngay cả những tài xế từng được xem là “thổ địa” đất Tây Bắc. Chả trách ba chiếc xe của chúng tôi đều bị lạc đường, thậm chí xe dẫn đầu chẳng biết “ngẫu hứng” thế nào mà chạy lố sang tận Pa Tần, cách ngã ba Chăn Nưa, ngõ rẽ lên cao nguyên Sìn Hồ, gần 30km.
Dù sao sự cố ngoài mong đợi ấy cũng không làm giảm đi sự háo hức của mọi người, ngược lại đi thế mới vui, mới thành giai thoại, đề tài để mọi người châm chọc, vui đùa suốt cuộc hành trình đầy vất vả.
Chiều xuống dần, những vạt nắng vàng tơ cuối thu mờ nhạt trong sắc màu xám xịt của núi rừng. Bây giờ, trên đường đèo Sìn Hồ heo hút xuất hiện từng nhóm phụ nữ người Mông đỏ, trở về bản làng sau một ngày vào rừng hái lượm. Thường đi riêng lẻ là các bà mẹ trẻ, tuổi đời chưa quá đôi mươi, vừa còng lưng gùi bó củi to nặng sau lưng cùng lúc ôm ấp, vỗ về đứa con trai bé tí xíu vào lòng, hình ảnh tình mẫu tử khiến tôi thật xúc động. Ở đỉnh đèo, lác đác đây đó bản làng người Mông như trăm năm nay vẫn thế.
Người ta nói đi trên Tây Bắc dù ở Sơn La, Điện Biên hay Yên Bái, Lào Cai, Sìn Hồ - Lai Châu, nếu tinh ý sẽ dễ dàng đoán ra bản làng của người dân tộc thiểu số luôn theo tập quán: người Thái, Lự, Hà Nhì, Giáy thường sinh sống dưới chân núi gần sông suối; người Dao, Phú Lá chọn rẻo giữa; người Mông lại quần tụ trên đỉnh cao, nơi không gian thoáng đãng, giá lạnh, tựa như câu nói: người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo mây mù. (Cần ngầm hiểu ăn có nghĩa là sống cùng, chỗ dựa).
Đặc điểm thứ hai nghiêng về sinh hoạt hằng ngày: người Dao thích tắm gội nhưng sợ giặt giũ, ngược lại quần áo người Mông luôn giặt sạch hằng ngày nhưng tắm táp thì rất ngại. Phải chăng do bộ trang phục của người Dao thường được thêu hoa văn ngũ sắc, nếu thường xuyên giặt rửa sẽ không tránh khỏi quần áo bị ố màu, hư hỏng. Mặt khác do thời tiết, nhiệt độ cao, môi trường sinh sống mỗi nơi mỗi khác mới nảy sinh nền nếp khác biệt.
Hoa cúc quì nở rộ trên đường Tây Bắc |
Thị trấn Sìn Hồ hiện ra thật nhỏ bé, bình dị với năm bảy đường phố, ngôi chợ rồi tiếp giáp những cánh đồng lúa tỏa rộng đến tận dãy núi trùng điệp vây quanh, toàn cảnh đẹp như bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Theo ông Tẩn Kim Phu, dân tộc Dao, chuyên nghiên cứu truyện cổ dân gian ở Lai Châu, Sìn Hồ theo tiếng bản địa có nghĩa là nơi nhiều con suối.
Trải qua nhiều cuộc bể dâu, ngày nay Sìn Hồ chỉ còn ba con suối lớn là Hồng Hồ, Hoàng Hồ và Sìn Hồ len lỏi dưới thung lũng. Nằm trên độ cao trung bình 1.500m so với mặt biển nên thời tiết huyện lỵ Sìn Hồ luôn mát lạnh, tinh khiết chẳng khác vùng cao nguyên Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt ở Tây nguyên.
Trước năm 2006, vùng đất này khá hẻo lánh bởi không có đường giao thông, địa hình chia cắt, mỗi lần có việc muốn ra tỉnh lỵ phải vượt đèo cao, lũng thấp mất hai ngày trời dù khoảng cách non 60km. Đầu năm rồi, đường sá được mở mang, trải nhựa, một hướng ngược lên Mường Lay, một xuôi về Tam Đường (Lai Châu mới) nên Sìn Hồ mới có điều kiện mở cửa hướng ra ngoài.
Sìn Hồ sở hữu nhiều cảnh đẹp hấp dẫn, ai cũng có thể cảm nhận. Từ những con đường ngoằn ngoèo trong thung lũng toàn ruộng bậc thang cho đến bản làng Tà Ghềnh, Hoàng Hồ, Tả Phìn, Phăng Xô Lin của người Mông, Dao yên bình mộc mạc bên vách núi. Và nếu dành thời gian đi dạo, thăm viếng, sẽ khám phá nhiều điều kỳ lạ. Rồi cổng trời, núi Tiên Ông, núi Ô Đá gắn liền biết bao truyền thuyết lý thú.
Câu chuyện cổ Dao kể lại rằng: xưa kia, làng Tả Phìn, cảnh đẹp như cõi bồng lai tiên cảnh, hằng ngày các vị thần theo đám mây ngũ sắc xuống dạo chơi quanh núi, uống rượu, đánh cờ. Ngày kia, một vị tiên ông mải mê nước cờ, không để ý mặt trời sắp khuất núi. Tàn cuộc, trong lúc vội vã trở về trời, tiên ông đánh rơi chiếc dù trên đỉnh núi. Chẳng bao lâu nơi ấy bỗng mọc lên khối đá hệt dáng hình chiếc ô và đời sau đã trở thành thánh địa linh thiêng của người Dao hành hương cầu phúc hoặc lễ bái xin tiên ông phù trợ cho trẻ em luôn mạnh khỏe, không bị bệnh bất thường.
Buổi tối ở Sìn Hồ rất yên tĩnh và thời gian trôi đi bằng tiết tấu chậm chạp. Mới tám giờ tối đường phố đã chìm đắm trong sương mù giá lạnh. Với cánh thanh niên hiếu động thì khó tránh khỏi tâm trạng hụt hẫng, buồn chán. Riêng cánh trung niên lại hay tìm cơ sở tắm nước thuốc theo phương pháp cổ truyền của người Dao, bởi hiếm thấy nơi đâu trên Tây Bắc lại lưu giữ kiểu tắm lạ lùng nhưng khá hiệu quả như tại đây, cả về vị thuốc, cách pha chế cũng khác nhiều so với Điện Biên, núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) hay Sa Pa (Lào Cai).
Thông thường, người ta pha hỗn hợp rễ, cây thuốc khô xắt nhỏ lẫn cành lá còn tươi vào trong bồn tắm tròn, có đường kính hơn 1m bằng gỗ pơ mu. Người tắm đầu tiên phải thả hai chân vào trước để thích nghi nhiệt độ khoảng 380C, rồi lần ngồi xuống, ngâm hẳn cơ thể trong làn nước đen sánh, bốc khói ngập vừa đến cổ. Cảm giác nước thuốc đang thẩm thấu vào da thịt đồng thời cơ thể, gân cốt từng lúc như được kéo giãn ra đầy sảng khoái, đầu óc bỗng nhiên thấy tỉnh táo lạ lùng.
Càng ngồi lâu càng khỏe khoắn, song tốt nhất không nên ngâm quá 30 phút, vì mùi vị ngai ngái của cây thuốc, gừng, sả và nhiệt độ nước nóng sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tim mạch. Bỗng nhiên nhớ lại những thước phim tái hiện cuộc sống vương giả chốn cung đình xưa: lúc ấy có lẽ các bậc “vương gia” hưởng thụ cũng đến thế này là cùng!
Cùng mẹ đi chợ phiên Sìn Hồ |
Dường như tập tục, nếp sinh hoạt ở Sìn Hồ cái gì cũng lạ lẫm. Ngay cả phiên chợ định kỳ cũng mang vẻ riêng không giống những chợ huyện khác hay nhóm họp ngày chủ nhật.
Lệ thường, chợ bắt đầu họp vào sáng thứ bảy, chủ yếu thu hút người bản địa sống xung quanh thị trấn, qua ngày chủ nhật chợ sẽ đông, nhộn nhịp hơn với dòng người từ các bản làng xa xôi đổ về. Trong đó có người Mông đỏ vùng Chăn Lưa, Làng Mô hay người Lự, Dao ở Phăng Xô Lin, người Mông hoa, Phú Lá tận xã Pu Sam Cát, cách xa thị trấn Sìn Hồ một ngày đường, thảy đều góp mặt. Tất cả tạo nên buổi chợ phiên xôn xao, tràn ngập làn sóng hoa văn thổ cẩm muôn màu.
Cung đường từ Phong Thổ đến Mù Căng Chải, một nhánh đất thuộc tỉnh Yên Bái, tuy ít núi cao hiểm trở song vô cùng ngoạn mục. Đó có thể vì nó liên tục quanh co theo dòng sông Nậm Mu, Nậm Kim trôi lững lờ giữa đôi bờ là những đám hoa cúc quì nở vàng rực như tấm lụa tung bay trong vũ điệu thần tiên. Và quần thể ruộng bậc thang huyện Mù Căng Chải, di tích cấp quốc gia, đột nhiên hiện ra hoành tráng với từng lớp, rồi từng lớp nọ nối tiếp lớp kia tựa chiếc cầu thang nối trần gian lên cõi thiên đình.
Nhiều người cho rằng ruộng bậc thang Mù Căng Chải chỉ đẹp diệu kỳ khi mùa lúa chín, lúc ấy cả một vùng núi non trùng điệp đều rực rỡ trong sắc màu vàng ươm. Nhưng còn có một Mù Căng Chải của những ngày gieo hạt, lúa ngậm sữa, và tùy góc nhìn, sự cảm nhận từng người.
Trước khi rời huyện lỵ Văn Chấn chuẩn bị vượt đoạn đường đèo dài hơn 10km để tới xã Suối Yàng nằm trên độ cao 1.371m, quê hương loại chè Shan nổi tiếng, chúng tôi cứ tưởng sẽ được tiếp tục dạo chơi giữa những đồi chè được trồng thành hàng, thành luống như cao nguyên Mộc Châu mà ngày đầu tiên cuộc hành trình chúng tôi đã được dịp khảo sát. Nhưng hoàn toàn không phải bởi khi đứng trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống, bốn bề nơi đây nổi lên sắc xanh bạt ngàn của tán cây chè cổ thụ với vòng gốc của chúng lớn tới trọn một người ôm.
Người ta nói đã có thời dân bản địa để cây chè phát triển tự nhiên, đến lúc thân cây quá cao, quá nguy hiểm, phải bỏ công huấn luyện khỉ thay người trèo hái lộc. Ngày nay ngoài mục đích kìm hãm độ cao, người Mông còn kích thích cây chè cho nhiều búp non bằng cách dùng đá vôi cấy vào thân, hốc cây mới lớn. Theo thời gian, thân cây tách ra nhiều cành, nhiều nhánh thành tán lá rộng rãi.
Chúng tôi dừng chân trước cây chè tổ 300 năm tuổi (từng được xếp là một trong sáu cây chè thủy tổ của thế giới) ngắm nhìn chùm gốc xù xì, rêu phong, những búp chè như cọng rau muống nhú lên giữa thân cây còn đọng lại hạt sương long lanh mới cảm nhận được sự già cỗi, lâu đời vì thời gian và bao cuộc vật đổi sao dời. Còn xung quanh là cánh rừng toàn chè xanh, tuy gốc rễ, cành lá nhỏ bé hơn nhưng ít nhất cũng đã hơn 100 năm tuổi. Chúng là thế hệ cháu, chít, chắt được ươm hạt, nhân giống từ cây chè tổ này.
Suối Giàng mang ý nghĩa con suối trời cho, đồng thời là địa danh của vùng cao nguyên quanh năm sương mù giăng kín. Nhờ thế hằng ngày chè được ngậm sương núi và sau khi hái về, chế biến thủ công, búp chè thường có lông tơ trắng, tự tỏa hương nên gọi là chè tuyết. Tôi vốn không hay uống chè Bắc, lại chưa bao giờ biết hãm chè cho đúng cách, ngoài thói quen uống trà nhạt kèm đá lạnh theo kiểu Nam bộ. Song kỳ lạ thay, khi được nhấp chén chè do chính người Mông mời dùng, trong một buổi trưa ngoài trời mây đang lang thang trên đỉnh núi, tôi vẫn loáng thoáng nhận ra mùi vị: hơi chan chát, ngọt hậu và hương thơm thoang thoảng.
Tây Bắc đã cho chúng tôi rất nhiều: sự quyến rũ, nét độc đáo và gần gũi, thân thương ngay cả những điều trước đây tôi tưởng chừng xa xôi, lạc hậu. Nó cũng giúp tôi nhận ra mỗi lần đi là mỗi lần khám phá thêm nhiều điều kỳ thú, mới mẻ. Ông Vũ Thế Bình, vụ trưởng lữ hành - nhà tổ chức chuyến khảo sát, tiên đoán: cung đường Yên Bái tỏa sang Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất trên Tây Bắc trong một vài năm tới.
(Theo: Tuổi Trẻ)