Ở cột cây số 1020 trên quốc lộ 1A, thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, rẽ về phía biển chừng 10km, qua một con phà ở cửa sông Kỳ Hà, bạn sẽ đặt chân lên xã đảo Tam Hải. Nơi đây không chỉ có thắng cảnh vô cùng đẹp là ghềnh đá Bàn Than mà còn hấp dẫn bởi một cuộc sống làng biển sinh động.
Cả xã Tam Hải gần như được phủ kín dưới tán rừng dừa xanh ngắt. Như trong một chiếc hang động màu xanh, hàng trăm năm qua, người dân xã Tam Hải sống dưới tán dừa ấy đến nay vẫn gần như lưu giữ được nguyên vẹn trong lòng mình bản sắc văn hoá đời sống của người dân miền Trung, của người dân làng chài, xứ biển. nghĩa địa cá Ông lớn nhất nước.
Được bao bọc bởi một mặt là biển và ba mặt là sông, Tam Hải có đủ tất cả thuận lợi để hình thành một vùng sinh thái nước lợ và phía biển là một rạn san hô đá ngầm có nhiều nguồn hải sản quý như tôm hùm, hải sâm... cùng với một môi trường sinh thái và phong cảnh đặc sắc để hình thành một khu du lịch đẹp thuộc loại hiếm ở miền Trung.
Theo Đại Nam nhất thống chí, đây là thôn "trưởng nam của kỳ hoá" của tất cả những xóm dân làng chài từ Đà Nẵng vào đến Bình Định. Có nghĩa là cá Ông sau khi chết và được các làng chài chôn cất tang lễ 3 năm thì cải táng, xương cốt phải được đưa về táng lưu niên ở Tam Hải. Mấy trăm năm qua, có đến hàng ngàn ngôi mộ cá Ông đưa về táng ở nghĩa địa cá Ông Tam Hải. Chưa thấy nơi đâu có một nghĩa địa cá Ông to và nhiều như thế. Mỗi ngôi mộ có một tảng đá làm dấu. Ở một mức độ nào đó, đây quả thật là một di sản quý hiếm hình thành từ nền văn hoá vùng biển của người Việt từ lâu đời, nó phản ảnh lối sống, quan niệm của con người khi đứng trước biển khơi. Di tích quý hiếm và độc đáo này cần sớm được các cơ quan hữu quan biết đến để có kế hoạch bảo tồn hiệu quả.
Theo phong tục, người dân chài nào đầu tiên nhìn thấy thi thể cá Ông thì sẽ là người trưởng nam, đứng chịu tang với một niềm tin sâu sắc rằng Ông sẽ phù hộ họ đi biển thuận buồm xuôi gió và đánh lưới được nhiều tôm cá. Vì vậy, một số người khi làm ăn khấm khá đã xây miếu cho Ông để tỏ lòng thành kính. Có hàng chục miếu như vậy nằm khuất sau những lùm cây, bờ đá ở khắp xã đảo Tam Hải.
Ghềnh đá Bàn Than là một vách đá đen dựng đứng sát mép biển cao 42m, một cảnh quan hùng vĩ và hiếm có, xét trên cả dải ven biển miền Trung nhiều bãi cát. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: "Núi Phú Xuân, còn có tên là núi Bàn Than, nằm kề cửa biển Đại Áp; mạch núi nguyên từ núi Chủ Sơn kéo về chia ra, quanh co qua các xã Hoà Vấn và Phú Hoà, đến thôn Phú Xuân Hạ thì nổi lên một ngọn lớn mà tròn, sắc đen như than, đứng xa thấy đỉnh núi như cái mâm than nên gọi tên thế. Ngoài biển về phía đông nam kết thành nhiều đảo nhỏ có hòn Măng, hòn Rùa, hòn Dương...".
Đi thăm thắng cảnh Bàn Than, bạn còn được nghe người dân địa phương kể về mối tình thơ mộng nơi ghềnh đá này. Cô gái Đà Nẵng về chơi Bàn Than, trượt chân ngã xuống nước, được anh dân chài cứu và họ nên vợ chồng. Chuyện xảy ra năm 1980 và nay họ là một gia đình thật hạnh phúc.
Đi dọc dưới chân ghềnh đá này hoặc đứng trên đỉnh núi cao 42m, chúng ta biết nơi đây rồi sẽ trở thành một thắng cảnh đẹp và thu hút du khách. Khi khu kinh tế mở Chu Lai và nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất đi vào hoạt động, chắc chắn Bàn Than sẽ trở thành một điểm nghỉ dưỡng lôi cuốn với một tầm nhìn thoáng rộng bên vực đá sâu ầm ì sóng vỗ. Quanh ghềnh đá Bàn Than là một rạn san hô lớn kéo dài hơn 10 cây số, nơi tập trung sinh sống của nhiều loại hải sản quý như tôm hùm, tôm sú, ốc hương, cá mực các loại. Đặc biệt, đây là nơi sinh đẻ và phát triển của các loại ấu trùng tôm hùm. Trứng tôm hùm trôi theo dòng nước rồi bám vào các rạn san hô phát triển thành tôm hùm con. Nếu không được bắt, đến tuổi chúng sẽ đi ra khơi phát triển thành tôm hùm trưởng thành.
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm trong lồng ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận phát triển đã đưa tôm hùm con thành một nguồn lợi thuỷ sản lớn của các vùng biển có rạn san hô. Mỗi con tôm hùm con có giá từ 70.000 - 100.000 đồng. Cái chợ nhỏ bé này không ai tin rằng doanh số mua bán của nó lên đến hơn 100 triệu đồng mỗi ngày. Tuy giá trị mậu dịch cao, nhưng chuyện mua bán ở đây diễn ra thật chậm rãi, từ tốn. Ai cũng vui vẻ và nụ cười như luôn ở môi. Nguồn lợi như chia đều cho mọi người và ai cũng biết rằng mình có phần trong đó mỗi khi một ngày mới bắt đầu. Nghề lặn bắt tôm hùm con đã được người dân Tam Hải mày mò cách làm từ 5 năm trước. Cũng đã có một vài sự cố xảy ra gây tổn thất về nhân mạng, nhưng những năm gần đây, người dân Tam Hải đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và cũng mua sắm được nhiều phương tiện giúp việc khai thác hiệu quả và an toàn hơn. Mỗi lần lặn dưới nước kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhưng nhờ những bộ đồ lặn giữ ấm nên công việc dù nặng nhọc cũng đã trở nên dễ chịu hơn nhiều so với những ngày đầu lặn bắt tôm hùm.
Theo dân chài bắt tôm hùm hoặc trang bị những bộ đồ lặn hiện đại để dạo chơi trong rạn san hô mà người dân Tam Hải bảo rằng đẹp và rộng vô cùng, chắc hẳn sẽ là một tour du lịch hấp dẫn.
Hiện nay, xã đảo Tam Hải đã được tỉnh Quảng Nam quy hoạch thành một khu du lịch đặc biệt nằm trong khu phi mậu dịch của Khu kinh tế mở Chu Lai. Điều này có nghĩa là một bộ phận, hoặc toàn bộ nhân dân Tam Hải, sẽ di dời đến nơi ở mới nếu xã đảo này có một dự án đầu tư du lịch. Mà khả năng này là rất cao, các nhà đầu tư vẫn tìm về đây với những dự án đầy hứa hẹn. Ngay trong ngày Khu kinh tế mở Chu Lai nhận giấy phép thành lập, resort Le Domaine de Tam Hải với kiến trúc thuần Việt, nhiều tranh tre nứa lá nằm khuất dưới rừng dừa, nhìn ra một đoạn của sông Trường Giang cũng được khánh thành để đón khách. Ngay cạnh đó, tập đoàn kinh doanh khách sạn và resort Victoria đang xây dựng một dự án khách sạn 300 phòng. Tam Hải trở thành một khu du lịch đặc biệt khép kín với quy chế của khu phi mậu dịch, dành riêng cho du khách là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới. Chỉ có điều khi đó du khách sẽ khó khăn hơn khi đến với thắng cảnh Bàn Than để rồi treo võng mà nằm thiu thiu ngủ dưới tán dừa xanh.
Chiều đang về trên bãi bắc thôn một Tam Hải. Vì là một xã đảo nên Tam Hải là một trong số ít nơi trên đất liền có thể nhìn thấy mặt trời lặn trên biển. Ánh chiều soi trên mặt nước thật lạ và thanh bình. Những người đi đánh cá chan, loại cá ăn bọt sóng lúc trời chạng vạng, đang chuẩn bị lưới để ra khơi. Không có thuyền lớn, tất cả đều là thuyền con hoặc thúng gắn máy ra khơi cách bờ chỉ một hai cây số. Người nhà đứng ở bờ đều dễ dàng nhận ra thuyền của gia đình mình ngoài khơi. Cuộc sống đang trôi qua từng ngày một cách yên ả và tràn đầy niềm vui trên vùng biển này.
(Nguồn: SGTT)