Tiếng rền vang của thác nghe rất gần, nhưng phải mất hơn mười phút xuyên rừng mới thấy bừng sáng trước mặt bạn cột tháp nước hùng vĩ và cả một chân trời sương khói.
Tiếng rền vang của thác nghe rất gần, nhưng phải mất hơn mười phút xuyên rừng mới thấy bừng sáng trước mặt bạn cột tháp nước hùng vĩ và cả một chân trời sương khói.
Nằm ven Quốc lộ 14, từ Đắc Nông đi lên, cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 30 km, thác Dray Sap thuộc huyện Cư Juc, tỉnh Đắc Nông được xem là con thác đẹp nhất Tây Nguyên. Theo ngôn ngữ Êđê, Sap là khói và Dray có nghĩa là thác. Cái sự gọi tên này của người Êđê thật sát đúng với hiện tượng thiên nhiên đã có mặt ngàn năm ở đây. Thác rộng hơn trăm mét, cao đến gần 30 mét, dòng nước vọt khỏi bờ đá trơn, lao thẳng xuống vực, làm bốc cao một vùng hơi nước mù mịt như sương khói quanh năm.
Sông Krông Knô được gọi là sông đực và Krông Ana là sông cái theo tên gọi của đồng bào M"Nông, sau khi hợp lưu, có tên gọi mới là sông Sêrêpôk. Thác Dray Sap nằm chắn ngang dòng Sêrêpôk, cách nơi hợp lưu của hai con sông nói trên không xa, nên cường lưu dòng chảy đang còn sung mãn, khi vượt qua Dray Sap, nó tạo ra âm thanh ầm ào vọng vang rừng núi.
Không theo quy luật của hầu hết sông suối Tây Nguyên luôn nghiêng chảy về triền đông dãy Trường Sơn, đổ vào các sông Thu Bồn, sông Ba, sông Sê Pôn để ra với biển Đông. Sêrêpôk được mệnh danh là con sông chảy ngược, nó chảy chênh chếch về hướng Tây Nam; vượt biên giới sang nước bạn Campuchia, hoà vào dòng Mê Kông để rồi lại đổ về châu thổ Cửu Long. Những hạt phù sa của đồng bằng lớn nhất Việt Nam, rộng đến 4 triệu ha này có sự góp phần của màu mỡ bazan Tây Nguyên ruột thịt.
Cũng như bao hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên trên vùng Tây Nguyên, thác Dray Sap cũng được những người dân tộc anh em, vốn có trí tưởng tượng bất tận, điểm trang bằng một câu chuyện huyền thoại.
Chuyện kể rằng ngày xưa có một thiếu nữ Êđê xinh đẹp tên là H"Mi. Nhiều chàng trai giàu có từ khắp các buôn làng M"Nông, Êđê đến đây cầu hôn nhưng bị nàng cự tuyệt. Nàng đã trót thầm yêu trộm nhớ một chàng trai hiền lành nhưng nghèo khổ cùng ở chung buôn với nàng. Một hôm, nàng cùng người yêu đi ra rừng ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn bên bờ sông, đột nhiên có một con quái vật từ đâu xuất hiện, đầu nó to như quả núi, mắt đỏ như lửa. Từ trên cao, con quái vật lao xuống hút cạn nước sông rồi sau tiếng gầm long trời lở đất, nó phun vọt cột nước khổng lồ về phía hai người. Chàng trai bị bắn văng ra xa rồi ngất đi. Đến khi tỉnh dậy, chàng không thấy người yêu đâu, chỉ thấy dòng sông chảy qua nơi đây bỗng dựng lên một sườn đá thẳng đứng khiến dòng nước đi qua đổ sầm xuống vực ầm ào gào thét. Tin rằng, con quái vật đã bắt người yêu của mình và dựng lên bức thành đá để ngăn cách hai người mãi mãi, chàng trai cứ quanh quẩn trèo qua trèo lại thác nước, lùng sục các vách đá, hang động quanh vùng cho đến một ngày kia chàng kiệt sức gục chết bên bờ thác. Nơi chàng trai rũ xác đã mọc lên một cây cổ thụ cao ngất, rồi chung quanh cây cối lần lượt chen trong từng khe đá mọc lên thành cánh rừng già. Cây cổ thụ biểu tượng tình yêu của chàng trai thì ngày nay không còn ai xác định được, nhưng rừng già bên thác Dray Sap thì hãy còn khá nguyên vẹn.
Tương truyền ngày xưa vua Gia Long đã từng vi hành lên Tây Nguyên và đến tận dòng thác này. Sau đó, ông đã cho xây ngang dòng Sêrêpôk một cây cầu đá bên dưới dòng thác. Ngày nay du khách vẫn còn thấy hai mố đá hai bên dòng sông mà dân gian cho đó là dấu tích còn lại của cây cầu Gia Long ngày xưa. Cũng vì thế mà thác Dray Sap còn được dân địa phương gọi là thác Gia Long.
Trong mười năm trở lại đây, Dray Sap trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách khi lên với thành phố cao nguyên Buôn Ma Thuột. Sự hấp dẫn ở đây là thiên nhiên trong khu vực còn rất hoang sơ. Chỉ cần xuống một con dốc mấy mươi bậc đá là bạn đã lọt vào bầu không khí thẳm xanh mát lạnh của rừng già, bước chân của bạn sẽ được ướm lên những hòn đá trơn trượt có những lạch nước nhỏ róc rách len lỏi đổ ra sông. Tiếng rền vang của thác nghe rất gần, nhưng phải mất hơn mười phút xuyên rừng mới bừng sáng trước mặt bạn cột tháp nước hùng vĩ của thác và cả một chân trời sương khói.
(Theo: SGTT)