Ở tỉnh Quảng Ngãi có ba nguồn suối nước khoáng nổi tiếng nhất, đó là suối khoáng Thạch Bích ở xã Trà Bình (Trà Bồng), suối khoáng Mỹ Thịnh ở phía tây huyện Tư Nghĩa và suối khoáng Thạch Trụ ở phía nam huyện Mộ Đức. Suối khoáng Thạch Bích đã được khai thác và sản xuất ra nước uống đóng chai có nhãn hiệu cùng tên và được khách hàng ưa chuộng.
Suối khoáng Mỹ Thịnh gần như chưa được khai thác. Còn suối kháng Thạch Trụ thì từ nhiều năm nay đã xây dựng một cơ sở dịch vụ tắm suối tại chỗ, thu hút khá nhiều du khách, nhất là trong những ngày hè nắng nóng.
Điều đáng chú ý ở suối khoáng Thạch Trụ là nó đã không chỉ được biết về sau này, mà đã từ rất lâu. Đến năm 1837, đích thân vua Minh Mạng bảo bộ công sai các quan tỉnh cho người đi khảo sát tại chỗ các “suối ấm” ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, trong đó có suối khoáng Thạch Trụ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Vũng nước nóng... huyện Mộ Đức có một chỗ ở thôn Thạch Trụ, nước thường nóng sôi, nếu đem quăng gà vịt xuống vũng nước ấy, thì nhổ lông được. Chỗ nước ấy tràn ra thì cây cỏ không được tốt tươi”. Suối nước khoáng Thạch Trụ cũng được thực dân Pháp chú ý. Trong tập tài liệu biên soạn về tỉnh Quảng Ngãi, quan công sứ Pháp A.Laborde chép” Lại có một suối nước nóng khác, ở Thạch Trụ (Mộ Đức), suối này, cũng theo ông kỹ sư ấy, là một sự khoáng hoá tương đối quan trọng và nó có thể đem lại lợi ích (1 lít nước suối này có chứa 4g880 nhiều muối khoáng khác nhau mà trong đó có 4g200 chlorure). Những suối nước nóng này đều có nhiệt độ đạt từ 60o và ngay đến 80o; gần suối Thạch Trụ, ở chỗ gọi là núi Nước Mặn, có một miếu nhỏ được dựng lên để thờ Thang Thuỷ Sin Thần (thần Nước Sôi). Trong tập tài liệu xã chí tỉnh Quảng Ngãi viết bằng quốc ngữ năm 1944, cũng có đề cập đến suối Thạch Trụ và cho biết thêm: “Dương thuỷ là mạch nước sôi mặn mà, vì công sứ Daudet và tỉnh lỵ do thấy chữa lành bệnh phong lác nên xin sắc phong, giao cho phụng sự vào ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân 7”. Như vậy, tài liệu này đã hé lộ tên vị công sứ Pháp đến Thạch Trụ để chữa bệnh ngoài da ở suối Thạch Trụ chính là Daudet mà vì một lý do “tế nhị” nào đó, viên công sứ kế nhiệm về sau là A.Laborde không tiện nói toạc ra. Và chính sự “lạ lùng” của nước khoáng Thạch Trụ đã khiến y và bọn quan đầu tỉnh tâu xin sắc phong cho suối. Việc sắc phong cho các hiện tượng tự nhiên kỳ diệu, như cho cá ông, cho suối sông... là điều thuở xưa không lạ. Cái lạ đời buồn cười ở đây chính là sự tâu xin sắc phong cho suối, vì suối đã chữa khỏi cái bệnh kỳ cục của quan sứ thực dân!
Quanh suối Thạch Trụ kể cũng nhiều chuyện hay. Người xưa chỉ cảm thấy mùi tanh, độ nóng, sự trong trẻo và tác dụng chữa bệnh của suối và nhìn suối với đôi mắt đầy kính sợ. Ngày nay, khoa học có thể phân tích thành phần, đặc tính của suối khoáng. Ở suối Thạch Trụ đã có xây dựng cơ sở dịch vụ tắm suối, nhưng những người dân ở xa vẫn thích đến tắm trực tiếp ở suối, hay múc nước suối chở về nhà dùng. Suối khoáng Thạch Trụ còn gọi là Thạch Tuyền. Thạch Tuyền mang trong lòng nó sự vi diệu, bí ẩn đáng yêu của tự nhiên.
(Nguồn: Báo Quảng Ngãi)