“Cần Thơ có bến Ninh Kiều / Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”. Hơn 1,4 triệu khách trong ngoài nước hàng năm đến Cần Thơ hầu hết đều rảo bước trên bến sông này. Năm du lịch quốc gia “Mekong Can Tho – 2008” đã cận kề nhưng mặc dù nhiều biện pháp được triển khai hiện tượng tranh giành khách vẫn bùng nổ, luôn làm các nhà quản lý đau đầu.
Sóng ở bến sông |
“Đi chợ nổi không? Đi vườn không anh (chị)? Lên ghe hóng mát trên sông?...”. Không trả lời họ lẽo đẽo bám đến khi khách phải “có” hay “không” mới buông tha. Cứ chạm chân ra bến Ninh Kiều là“dính chấu”, bất kỳ ai; “ngay cả Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thả bộ trên bến họ cũng nhào tới mời”, một cán bộ du lịch bức xúc trong một cuộc họp liên ngành. Nghề bắt khách tại bến Ninh Kiều có từ lâu lắm rồi và nở rộ khi lượng khách đổ về thành phố trung tâm đồng bằng này ngày càng nhiều. Trước thì ngồi chéo ngoe ngay mặt tiền công viên sau ghế đá được dẹp vào trong thì nhảy, leo, trèo rào và còn tràn xuống, ngồi chồm hổm ngay vệ đường suốt dọc con đường Hai Bà Trưng; trước cửa các khách sạn, nhà hàng… Thậm chí “câu khách” ngay tại bến phà, dọc đường đi khi chưa vào nội ô thành phố. Yêu cầu thân thiện, văn minh thì ngang nhin “xài hàng độc” quần cụt áo thun bắt khách. Ai “mắt tia (nhìn) miệng hét” lẹ thì khách “phải” của người đó. Việc phân định vị trí, ranh giới bắt khách được dân trong nghề ngầm thỏa thuận, “bất thành văn”, lộn xộn “đổ máu ráng chịu”. Không có tàu thì bắt khách ăn hoa hồng; có tàu cũng xé rào bắt khách.
Có chủ tàu “đi lụi” bị CSGT thủy dí tận nơi, bắt tại chỗ, xé biên lai phạt “kinh hồn” nhưng mọi chuyện vẫn “vũ như cẩn”. “Tại sao cò hoạt động công khai hoặc “tàu không số”, “tàu ba không” (không bằng lái, không bảo hiểm, không giấy phép) vẫn lén lút hoạt động trong khi chúng tôi đóng đủ loại phí nhưng vẫn luôn chậm chân hơn họ?”, “Tại sao tàu lớn không đóng phí theo đầu khách mà theo tải trọng?”, “ Doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch cũng bắt khách. Cấm phải cấm hết!”… Nhiều chủ tàu tư nhân đã liên kết với công ty du lịch tỏ ra gay gắt.
Giá một tour “đi lụi” luôn thấp hơn giá cùng tuyến của công ty du lịch lại khỏi vô bến đợi chờ xếp chuyến (làm thủ tục xuất bến, đóng phí chuyến…) chưa kể có những dịch vụ, điểm mới lạ hơn khiến dân “Tây ba lô”, du lịch bụi rất khoái, một chủ tàu bật mí.
Bến tàu “đa sở hữu”
Bến tàu được “xã hội hóa” cho nhiều thành phần kinh tế (DN Nhà nước, hợp tác xã, các công ty lữ hành, chủ tàu tư nhân) với đủ loại phương tiện như du thuyền ( loại từ 50 - 400 khách), ghe tàu (1 - 50 khách), tắc ráng (1 - 12 khch), đò chèo, máy đuôi tôm (1 - 6 khách)... và gần đây thêm hai tàu của chính công ty Du lịch. Vì vậy, chỉ trong vòng 1 năm, ngành du lịch đã cố gắng liên kết được với hơn 95% trong tổng số hơn trăm phương tiện đưa đón khách tại đây(mấy năm trước chỉ đạt 1/3 số tàu. Mục tiêu cao nhất là an toàn cho du khách đã sớm đạt được khi tất cả các tàu chỉ được phép xuất bến nếu thỏa mãn yêu cầu của cơ quan chức năng(bằng lái, phao…). Việc đưa bến tàu du lịch mới đi vào hoạt động(gồm 2 cầu tàu có sức chứa trên 100 khách, kinh phí đầu tư trên 1,7 tỷ đồng) đúng dịp 30/4 năm ngóai làm Ninh Kiều thêm đẹp với bãi đỗ khách, nhà chờ, phòng điều hành - cung cấp thông tin, bán hàng lưu niệm...
Tuy nhiên, việc tranh giành, móc nối khách “ngoài luồng” vẫn làm các nhà quản lý đau đầu. Cả trăm tàu nếu vô bến ngồi đợi “xếp tài” có khi mấy ngày không được chuyến nào “húp cháo”? Khách “mối” bao lâu nay phải nhường hay đợi “xếp chuyến” mới được đi? Có cần thiết tất cả các tàu liên kết phải treo logo của công ty du lịch?... Nhưng điểm gay cấn nhất, khó gặp nhau nhất chính là áp lực các khoản phí chủ phương tiện phải chịu: mỗi chuyến phải đóng 12% doanh thu cho ngành du lịch quản lý bến, khoảng 5% cho cảng vụ; rồi hàng tháng đóng thêm tiền đăng kiểm, thuế mặt nước cho phường… Ông P, một chủ tàu đã chạy 15 năm tính toán: hên lắm mỗi ngày có một chuyến thì thu nhập cũng chỉ khoảng gần 3 triệu đồng/tháng/tàu nhưng tiền dầu mất đứt 40-50% doanh thu, rồi ăn uống, đóng các khoản phí… “ Anh nhớ cho người chạy tàu hầu hết là dân nghèo “truyền đời” xóm Chài Hưng Phú, mỗi chủ tàu gánh 5-6 miệng ăn lại hầu hết đang nằm trong phần đất bị giải tỏa làm dự án… Để mưu sinh chỉ biết bám lấy khúc sông này…”.
Phải là bến văn minh, thân thiện
Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở Du lịch TP.Cần Thơ
nhìn nhận bến mới đã góp phần tăng mỹ quan nhưng yêu cầu chính lập lại
trật tự, văn minh hơn (Trật tự, mỹ quan; bảo đảm an toàn cho khách; bảo
đảm quyền lợi cho người lao động) thì vẫn chưa đạt được. Để có thể giải
quyết vấn đề một cách căn cơ phải có sự chỉ đạo thống nhất, cương quyết
của UBND, các ban ngành chức năng của thnh phố. Ông Trương Văn Ngon –
Phó TGĐ công ty CPDL Cần Thơ cũng nhận xét “chiếc áo
đã chật” trước bối cảnh mới. Đội kiểm tra liên ngành cấp quận (CA
Phường, TNXK, Đội Quản lý đô thị...) cần được nâng quyền xử lý chứ
không chỉ nhắc nhở “lai rai” việc dẫm đạp lên thảm cỏ, vượt rào công
viên. “Chúng tôi sẵn sàng trao đổi cụ thể, trên nhiều mặt với các chủ
phương tiện nhằm vãn hồi nhanh chóng trật tự văn minh cho bến”.
Bến Ninh Kiều là hình ảnh năng động của một Cần Thơ mới, trở thành niềm
tự hào của người dân Tây Đô nên việc nhanh chóng ổn định trật tự mỹ
quan là một yêu cầu rất bức xúc, nhất là khi năm du lịch quốc gia “Mekong – Can Tho 2008”
tại Cần Thơ đã cận kề. “Vô WTO rồi lượng khách nhất định sẽ tăng mạnh,
cái gì cũng cần căn cơ bài bản và chuyên nghiệp hơn”, lãnh đạo một công
ty du lịch lữ hành TP. Hồ Chí Minh nói vậy. Tập trung các phương tiện
vào một đầu mối quản lý (thông qua liên kết) là một biện pháp cần thiết
nhưng bên cạnh việc phối hợp với chính quyền tại chỗ, lực lượng CSGT
thủy, giao thông công chánh… cũng cần xem xét lại tính hợp lý của việc
phân bổ khách cùng một số loại phí và sự an sinh cơ bản cho các chủ
phương tiện, nhất là hộ nghèo. Tất cả phải hướng tới xây dựng một
thương hiệu chung, năng động, hiệu quả, “Cantho Tourism”.
Theo Metinfo