Để có được nét đẹp lung linh ấy, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ là nhờ đồng bào dân tộc Thái không ngừng phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống, thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn đã nỗ lực không ngừng, đầu tư công sức để khôi phục, phát triển. Năm 2011, thông qua Dự án bảo tồn văn hóa truyền thống Lúc-xăm-bua tài trợ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại các xã Hữu Lập, Phà Đánh, Nậm Cắn... đã được phục hồi.
Qua đó, Liên minh các Hợp tác xã Nghệ An và UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ, giúp chị em có thêm nghề phụ, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình. Ngoài ra, nghề dệt thổ cẩm còn thu hút thanh niên có tay nghề cao tham gia, để "thổi" đam mê cho giới trẻ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Bà Cụt Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Thái ở huyện miền núi Kỳ Sơn đang được phát triển rất mạnh. Toàn huyện hiện có 19 làng nghề, với trên 600 lao động tham gia như: Làng Xốp Thập, bản Nản Na (xã Hữu Lập); làng Phiêng Pô (xã Phà Đánh); làng Cầu Tám (xã Tà Cạ); bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn)... Trong đó có 2 làng nghề dệt thổ cẩm: Noọng Dẻ và Nản Na được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề năm 2011. Tuy thu nhập của các thành viên làng nghề chưa cao, nhưng đã giải quyết việc làm cho bà con, đặc biệt là việc khôi phục, bảo tồn được nghề truyền thống.
"Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại huyện Kỳ Sơn, bên cạnh sự tích cực tham gia của người dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đồng thời, có chính sách đồng bộ về đào tạo nghề, cho bà con vay vốn, năng động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua ký gửi, trưng bày tại các khách sạn, đại lý, các kỳ hội chợ triển lãm ở các thành phố, các điểm du lịch..." - Bà Cụt Thị Nguyệt cho biết thêm.
Hướng thoát nghèo
Nép mình bên Quốc lộ 7A, huyết mạch giao lưu kinh tế, văn hóa của miền Tây Nghệ An, bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn với 114 hộ đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Bản Noọng Dẻ, với 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, phụ nữ ngoài công việc nương rẫy, nay có thêm nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm cũng có nhiều khó khăn khi bị những sản phẩm dệt may công nghiệp lấn át. Nghề dệt thổ cẩm ở Noọng Dẻ có lúc đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng người dân Noọng Dẻ vẫn quyết tâm giữ lấy nghề tổ tiên để lại, lớp trước truyền nghề cho lớp sau, không ai nỡ vứt bỏ khung cửi khỏi hiên nhà.
Từ sự tâm huyết của người dân, cùng với chính sách của địa phương trong việc phát huy nghề truyền thống đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống. Thượng tá Phạm Hữu Lam, Đồn trưởng Đồn BP Nậm Cắn, BĐBP Nghệ An cho biết: Khi có chính sách hỗ trợ cho bà con vay vốn phát triển nghề truyền thống, cán bộ, chiến sĩ đã cùng với Hội Phụ nữ huyện, xã xuống tuyên truyền, giúp đỡ bà con nâng cao tay nghề, khôi phục nghề dệt thổ cẩm và xem đây là hướng đi thoát nghèo, khi nương rẫy ngày càng bị thu hẹp và bạc màu.
Việc chú tâm nâng cao tay nghề, sản phẩm của chị em phụ nữ Noọng Dẻ chiếm được lòng tin của khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu. Chị Lương Thị Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Noọng Dẻ tâm sự: Tính đến nay, cả bản đã có khoảng 100 hộ gia đình theo nghề dệt thổ cẩm và đã đem về một nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống cho các gia đình. Sản phẩm dệt thổ cẩm (váy, áo, khăn piêu, túi, ví, thắt lưng) của phụ nữ Noọng Dẻ luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng, bởi chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tinh tế trong cách trang trí hoa văn và hài hòa trong phối màu... Tay nghề của các chị ngày càng được nâng cao, có những cơ sở kinh doanh ở Hà Nội đưa nguyên liệu và bản thiết kế mẫu về tận nơi để thuê chị em dệt.
Tuy nhiên, đồng bào Thái ở Kỳ Sơn nói chung và ở Noọng Dẻ nói riêng đang mong muốn chính quyền địa phương đầu tư thêm vốn xây dựng nhà xưởng, khu trưng bày sản phẩm để có điều kiện thu hút thêm nhiều khách du lịch, có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. "Mong muốn của bà con Noọng Dẻ, được các ban, ngành cấp trên hỗ trợ mở xưởng dệt và trưng bày sản phẩm ở ngay tại bản. Việc này sẽ phát huy lợi thế về địa hình, bản cách Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn không xa, lại nằm cạnh tuyến đường chiến lược về giao lưu kinh tế và phát triển du lịch, dịch vụ, không ít khách du lịch qua đây muốn dừng lại để chọn mua một số sản phẩm làm quà lưu niệm, nhưng không có gian hàng trưng bày nên đành phải đi qua. Từ đó, nghề truyền thống dệt thổ cẩm sẽ trường tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" - Chị Lương Thị Văn bày tỏ mong muốn./.