Cách thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang gần 30km về phía tây, đảo Hòn Tre như một con rùa khổng lồ nổi lên giữa biển khơi. Hòn Tre không chỉ có cảnh đẹp hoang sơ, những công trình tôn giáo mộc mạc đậm “bản sắc biển khơi”, mà còn là đảo gần đất liền nhất.
“Thành phố chài"
Nếu bạn đến Hòn Tre, khi tàu còn cách vài hải lý sẽ thấy hòn đảo này như một con rùa khổng lồ nổi trên mặt biển. Nhờ đặc điểm này mà người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và làm rẫy ở Hòn Tre gọi là Hòn Rùa.
'Thành phố chài' chiếm khoảng ¼ chu vi đảo Hòn Tre, còn lại là khoảng 9km ghềnh đá hoang sơ |
Bước chân lên cầu cảng, nếu bạn là một lữ khách bụi “thứ thiệt” sẽ rất thích thú khi thấy hòn đảo này không có bóng dáng khách du lịch. Anh Bé Năm, 32 tuổi, chạy xe ôm ngay đầu cầu cảng, cho biết: “Tui sinh ra và lớn lên ở đây, hồi nhỏ đến giờ rất ít thấy khách du lịch. Thỉnh thoảng có tay nhiệp ảnh đến bỏ ra 120.000đ thuê chiếc ghe đi chụp ảnh vòng quanh đảo. Lâu lâu có ông họa sĩ đến đặt giá vẽ ở cầu cảng. Khoảng vài tháng có mấy ông Tây khoác ba lô đến”.
Toàn đảo chỉ có một con đường duy nhất dài chừng 3km, rộng 2m. 900 nóc nhà trên đảo có hơn 700 “co cụm” dọc hai bên con đường cộng với hơn 300 tàu thuyền ghe xuồng lớn nhỏ neo đậu sát bên càng làm cho trung tâm Hòn Rùa như “thành phố chài”…
Khi tàu cách Hòn Tre vài hải lý trông nó như một con rùa khổng lồ nổi lên giữa biển khơi |
Nhà ở trung tâm Hòn Rùa vách “dính” vách nhau nhưng không có số, phòng trọ không bảng hiệu. Bạn phải hỏi thăm để tìm nhà trọ duy nhất trên đảo của ông Thành, giá cho thuê 30.000đ/đêm. Bạn muốn đón gió và nhìn làn nước biển xanh thì hãy thuê nhà khách Huyện ủy Kiên Hải nằm sát biển, giá cho thuê phòng quạt có 2 giường 80.000đ/đêm, phòng máy lạnh có 3 giường giá 120.000đ/đêm.
Dù ở nhà khách hay phòng trọ, bạn đều phải tự tìm lấy thức ăn dù sáng, trưa hay chiều. Bạn đừng mong thưởng thức những món hải ở nơi người bản địa đã ngán đồ ăn hải sản nên hàng quán chỉ bán toàn những thức ăn chế biến từ thịt. Muốn thưởng thức đặc sản biển bạn phải đặt một quán ăn nào đó hoặc đến nhà hàng duy nhất trên đảo có tên Gió Biển 2 cách trung tâm khoảng 1,5km.
“Nhảy" ghềnh đá thám hiểm
Cấu tạo địa chất chỉ có đá chồng lên đá để tạo thành đảo Hòn Tre có diện tích khoảng 400 ha và đỉnh cao 395m. Những mảng đất ít ỏi kẹt giữa khe, hốc, hang đá… được người dân trồng xoài, mãn cầu, mít; phần trên cao gần đỉnh là rừng nguyên sinh ít cây cổ thụ, nhiều bụi lùm và dây leo; có nhiều khỉ, sóc, ít kỳ đà và trăn. Trên đảo có nhiều khe suối nhỏ là nguồn cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân Hòn Tre.
'Thành phố chài' nhìn từ cầu cảng |
Ngoại trừ khu trung tâm chiếm khoảng 3km sát mép biển phía Đông, 8km còn lại của Hòn Tre còn rất hoang sơ. Vì cấu tạo nhiều đá tảng nên dưới chân núi giáp biển chỉ có đá và đá nhẵn nhụi bởi được sóng biển gội rửa qua bao đời nay. Đi bộ men theo ghềnh đá hoang sơ không quá hiểm trở để thám hiểm quanh Hòn Tre rất thú vị, người bạn luôn trong tư thế “nhảy nhót” từ mỏm đá này qua mỏn đá kia.
Lấy mốc trung tâm xã Hòn Tre - cũng là trung tâm của huyện Kiên Hải - nếu theo chiều kim đồng hồ, bạn lần lượt đi qua những công trình tôn giáo như Miếu Bà Chúa Xứ, Dinh Ông Nam Hải, Miếu Bà Thượng, tịnh xá Phước Hải. Hầu hết đều nằm ẩn khuất sau nhà, hàng quán hoặc trên lưng chừng núi có cây rậm nên bạn nhớ hỏi thăm, người lớn nào cũng biết và nhiệt tình hướng dẫn.
Những công trình tôn giáo ở Hòn Tre đậm “bản sắc biển khơi”, Dinh Ông Nam Hải có thờ bộ xương “ông” cá voi dài 9,4m, ngang 3,8m nặng gần 5 tấn tiêu biểu nhất |
Ngoài tết cổ truyền, đảo nhỏ này mỗi năm có 4 lễ hội theo âm lịch mà “người đi đâu cũng về dự ”đông nghẹt người: Lễ hội vía Bà Chúa Xứ vào ngày rằm tháng 2, Lễ vía Ông Nam Hải ngày 26-4, Lễ cúng Rằm tháng 7 ở tịnh xá Phước Hải và ngày 9-9 Lễ vía bà Thượng Động.
Ngoài những công trình tôn giáo, khi đi vòng quanh đảo theo chiều kim đồng hồ bạn sẽ lần lượt thưởng ngoạn 3 địa danh đều nằm sát mép biển, được người dân đảo yêu thích nhất: Đuôi Hà Bá, Bãi Chén và Động Dừa.
Động Dừa nhìn từ làng chài vài chục nóc nhà dưới nhiều bóng dừa râm mát |
Nếu bạn có ít thời gian, nên ưu tiên tham quan Bãi Chén có phong cảnh hữu tình nhất Hòn Tre. Từ Trung tâm xã Hòn Tre có con đường mòn khỏang 1.200m băng qua những con dốc không quá cao và lởm chởm đá, bạn sẽ gặp một ghềnh đá có vô số hòn đá lớn nhỏ giống như vô số chiếc chén úp kéo dài khoảng 2km. Đó là Bãi Chén.
Không chỉ có phong cảnh đẹp hoang sơ, Bãi Chén là chỗ tắm lý tưởng nhất Hòn Tre vì đây là nơi hiếm hoi có ít cát. Khi tắm xong, bạn có thể gội rửa “long thể” của mình bằng dòng nước ngọt trong vắt của con suối Vàng chảy từ đỉnh núi xuống ngay Bãi Chén. Và bạn có thể “nấp” trong vô số cây cổ thụ và bụi lùm gần đó để thay quần áo mà không phải ngại có ai đó dòm ngó.
Bãi Chén có vô số tảng đá như vố số cái chén úp, dài gần 2km |
Cạnh Bãi Chén chỉ có căn nhà của gia ông Năm Dính - một trong những gia đình định cư đầu tiên ở Hòn Tre - sống bằng nghề làm rẫy và đánh bắt cá. Bạn có thể “lân la” hỏi chuyện ông già ngoài 60 tuổi này về lịch sử hình thành làng mạc, thôn xóm trên Hòn Tre. Muốn thưởng thức đặc sản biển rất rẻ theo cách dân dã tự tay nướng, luộc, hấp… bạn có thể liên hệ gia đình này.
Hiện tại, bản vẽ “qui hoạch tổng thể” Hòn Tre thành thị trị lấn biển trên tấm pa-nô rộng chừng 3m2 đang dựng tại khu trung tâm. Dường như dự án sắp thực hiện, bởi đã có một con đường vòng quanh đảo đang trong giai đọan thi công. Nếu bạn yêu nét “nguyên bản” của “thành phố chài” bình yên và cảnh vật hoang sơ thì tranh thủ đến Hòn Tre.
Mỗi ngày có 5 chuyến tàu cao tốc đi Hòn Tre vào các thời điểm: 07 giờ15, 08 giờ 30, 10 giờ 30, 14 giờ và 16 giờ, tại bến tàu nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Giá vé 37.000đ.
(Theo: Tuổi Trẻ)