Địa hình thắt lưng của miền Trung hẹp, tựa vào Trường Sơn đoạn hiểm trở nhất. Vì vậy sông ở Quảng Nam không dài nhưng quanh co uốn khúc, lúc dữ dội, lúc hiền hòa. Nói đến Quảng Nam người ta thường nhắc đến con sông Thu Bồn. Con sông đã ở trong tâm tưởng bao người xứ Quảng. Hè đến, ấy là lúc sông Thu vào mùa cạn. Thuê một chiếc thuyền, ngược mạn lên nguồn, là một chuyến đi lý thú, khó quên…
Biền dâu ven sôngCon thuyền xuất phát từ bến Vĩnh Điện, sông Vĩnh Điện chảy vào sông Thu Bồn, được đào từ thời Minh Mạng nối sông Thu Bồn với Cửa Hàn (Đà Nẵng). Nửa tiếng sau, là đã thấy mênh mang Thu Bồn. Mùa này sông rộng nhưng cạn, nhiều đoạn nghe cát lạo xạo dưới đáy thuyền. Có lúc cánh đàn ông phải từ trên mui nhảy xuống sông, nước chỉ đến đầu gối, để… đẩy hộ thuyền qua chỗ cạn. Sông Thu đáy toàn cát mịn, bởi thế, trừ những ngày mưa lũ, nước sông bao giờ cũng ngát xanh.
Đi thuyền trên sông Thu thật thú vị: thuyền có mui thấp, chở được chừng hai mươi người. Ngồi trên mui thuyền lững thững đi qua từng vùng, tầm mắt du khách được trải rộng ra, thoáng đãng, không bụi bặm, không chật chội. Gặp cơn mưa rào bất chợt, lại chui xuống khoang. Khoang dưới đôi khi lại trở thành một cái nhà bếp nho nhỏ, trên mui sẵn sàng cho một bàn tiệc đủ chỗ cho mọi người.
Thuyền vẫn cứ đi, tiệc vẫn cứ được bày ra. Sản vật không thiếu: lúc thì ghé vào làng này rong chơi, tìm mua chai rượu quê, lúc lên chợ làng bên kia mua con gà, lúc cao hứng neo thuyền vào một bãi cạn cùng nhau nhảy xuống sông vẫy vùng bơi lội… Cuộc vui tưởng chừng bất tận.
Con thuyền vẫn lặng lẽ ngược dòng. Cảnh sắc thay đổi theo. Kia là núi Hòn Tàu, phía đó là Mỹ Sơn, những ngôi làng từ từ hiện ra trong tầm mắt với những cái tên thơ mộng: Quảng Đợi, Ô Gia, Trang Điền, Mỹ Lược, Bình Yên, Đông Bàn, Phú Gia… Những Bến Dầu, Bến Đá, Phường Rạnh, Trung Phước, Đại Bường… với những bãi bắp xanh um, những ruộng dưa hồng lúc nhúc những quả dễ thương như bầy lợn con, những bãi dâu xanh ngắt soi mình xuống lòng sông phẳng lặng.
Càng lên ngược, con sông càng uốn lượn, nước càng chảy xiết. Những địa danh như Tí bồi, Sé lở… gợi nên một thoáng Chămpa xưa cũ, rồi đến Hòn Kẽm Đá Dừng hùng vĩ, con thuyền đi giữa hai bên núi vách đá dựng đứng…
Đến Trà Linh, trời đã xế chiều. Thuyền neo lại. “Ới” một chiếc thuyền của người dân địa phương mua vài con cá, kéo nhau vào làng quê Hiệp Đức thăm thú vườn quê, tắm sông, rồi xuống thuyền lục tục chuẩn bị cho bữa tối. Bữa ăn nóng giữa núi rừng sông nước thật ngon miệng.
Dưới ánh trăng mờ sương núi, những câu chuyện rôm rả bày ra đến tận khi trăng tàn. Lúc này mới thấy thấm lạnh. Cái lạnh từ hơi đá núi tỏa ra, không có tấm chăn thì không tài nào ngủ được… Tờ mờ sáng, thuyền nhổ neo xuôi về.
Con thuyền đi trong đám hơi sương là đà trên mặt nước, làng xóm hai bên vẫn ngủ say. Những quầng sáng phía Đông bắt đầu tô điểm cho mặt nước sông thay đổi sắc màu qua từng khoảnh khắc. Mọi người ngơ ngẩn ngắm nhìn. Cơn ngái ngủ hình như tan biến đâu đâu.
Nhiều người Quảng Nam dù xa xứ, khi nhìn thấy hình ảnh về con sông Thu đều nhận ra chính xác, không lẫn vào đâu được. Con sông đã mang trong mình một sắc thái Quảng Nam, bởi dáng vẻ riêng biệt độc đáo sông nước vùng này với những bãi cạn, bên lở, bên bồi, biền dâu, bến quê… Thuyền ngược gần tám mươi cây số, nhưng chẳng nơi nào trông giống nơi nào, sắc màu mỗi lúc mỗi khác nhưng vẫn thấy thân quen.
(Nguồn: Báo Du lịch)