Khi màn sương đêm còn chưa tan, từng đoàn người từ Hầu Thào, Lao Chải, Séo Mí Tỷ xuống, từ Bản Hồ, Bản Phùng lên, trong những bộ váy áo lộng lẫy nhiều sắc màu của đồng bào các dân tộc tíu tít nói cười vui vẻ kéo về lễ hội.<?XML:NAMESPACE PREFIX = O />
Theo ông Hoàng Mục, người được dân bản cử làm chủ lễ ở xã Tả Van thì lễ vật phải có: Thủ lợn, con vịt, thịt lợn, hoa quả, bánh kẹo, xôi trắng, xôi xanh, xôi đỏ, xôi tím, phỏng gạo và quả còn…
Khi dân bản có mặt đông đủ và việc sắp lễ xong, thầy cúng đọc tên các lễ vật và xin thần phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để. Lễ cúng xong thì thầy cúng sẽ đưa quả còn cho những người già uy tín trong bản ném tượng trưng vào vòng tròn dán giấy có vẽ hình âm - dương treo ở ngọn cây nêu. Trong ngày làm lễ cúng phải ném thủng vòng nhật nguyệt, vì người dân quan niệm rằng nếu vòng nhật nguyệt không được ném thủng thì cả năm đó bản sẽ đen đủi. Khi vòng nhật nguyệt được ném thủng thì từng gia đình đến bàn thờ chính để thắp hương vái lạy thần linh, cầu may mắn cho gia đình và làng bản.
Cùng tổ chức với phần lễ là phần biểu diễn các tiết mục văn hóa, thể thao đặc sắc với màn tái hiện rước dâu của người Giáy và sự đua tài của hàng trăm vận động viên ở các môn thể thao, vui chơi giải trí như: Bịt mắt bắt dê, thi leo núi lấy cờ, đẩy gậy, kéo co, đi cầu tre qua suối, bắn nỏ... đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, người dân bản địa đến cổ vũ.
Lễ hội xuống đồng ở Tả Van (Sa Pa) là một nét văn hóa đặc trưng, nét văn hóa bản sắc dân tộc vùng cao giúp cho mỗi người dân biết trân trọng giá trị của lịch sử, biết trân trọng và bảo vệ tài nguyên rừng.