"Ra Phú Quốc mà không kết hợp đi tham quan vài hòn đảo thuộc quần đảo An Thới thì thật là uổng phí!". Câu nói của anh bạn đã thôi thúc tôi làm một chuyến hải hành, bắt đầu từ đảo Phú Quốc...
Biển, núi và cây rừng...
Biển động trên cấp 6 suốt tuần qua. Nếu không, chỉ với 12.000 đồng, mỗi người trong đoàn đã có chuyến hải hành nho nhỏ đến với hòn Thơm - nơi sầm uất nhất của quần đảo An Thới, Kiên Giang. Cũng may, nhờ sự hướng dẫn của anh Trịnh Công Phát, chủ khu du lịch Vườn táo Phú Quốc, chúng tôi cũng thuê được chiếc tàu du lịch nhỏ để ra đảo.
Vừa rời cảng An Thới ở phía Nam đảo Phú Quốc, hòn Dừa đã hiện ra sừng sững trước mắt. Xa xa ngoài khơi, hàng loạt hòn đảo nối tiếp nhau hiện ra như một bàn cờ. Biển xanh sóng vỗ ì ầm, đập vào những ghềnh đá xám tạo ra những vùng trắng xóa khiến khung cảnh hoang sơ càng thêm kỳ ảo. Núi nhấp nhô nhưng lác đác chỉ vài căn nhà nhỏ thoắt hiện trên sườn đá xanh rì cây cỏ. “Hòn Dừa chỉ có vài chục hộ dân sinh sống”, anh Phát cho biết.
Giữa trưa nắng gay gắt nhưng hòn Dừa vẫn một màu xanh ngát. Dưới chân núi, trên sườn, đầy cây dừa, xoài và những vạt rừng dẻ, diếc, trâm, dầu... phủ kín. Trên các vách đá, nhiều cây nhỏ mọc cheo leo như chỉ chực nhào xuống biển... Nhắm mắt lại tưởng tượng, không khác chi mình đang ngồi hóng gió trước sân nhà, bên hòn non bộ lộng lẫy.
Lách vào “khe” biển giữa hòn Dừa và hòn Rỏi, đã thấy hòn Thơm trải đầy giữa vùng biển xanh ngút mắt. Cạnh đó, sát hòn Rỏi, đầy những chuỗi dây phao tròn nhấp nhô trên sóng. Đó là nơi người ta nuôi trai lấy ngọc. Trên là những chiếc phao tròn, còn bên dưới - cách đáy biển khoảng hai mét - là những chiếc lồng sắt có bao lưới. Trai được cấy hạt nhựa vào thịt, thả trong đó, tha hồ ăn xác sinh vật trôi nổi dưới biển để tích lũy dần thành những viên ngọc trai lóng lánh.
Trước đây, ngọc trai chủ yếu lấy từ thiên nhiên. Nhưng sức hút của thị trường những năm qua đã tập cho người dân nơi đây quen với việc nuôi trai “tách” ngọc. Đối với khách du lịch bình dân, chỉ cần vài trăm ngàn đồng là đã có trong tay món hàng lưu niệm để có thể khoe với bè bạn.
Biển cả bao la đã khéo lèo lái những cơn sóng ngày ngày đẽo thành những ghềnh đá đủ hình, đủ dạng. Ngay sát mặt phía bắc của hòn Thơm, hàng loạt ghềnh đá nằm rải rác trên biển, làm bạn với sóng. Xa xa, giữa hòn Thơm, những rặng dừa cao tít chạy dọc suốt bờ biển, điểm vài căn nhà mái lá của ngư dân khiến khách nhàn du có cảm giác thèm ngả lưng dưới bóng dừa, lim dim giữa trưa nóng bức...
“Cảng” hòn Thơm nằm ngay trung tâm đảo. Hàng trăm chiếc thuyền đánh cá nằm ngơi nghỉ im lìm, ngay sát với ngôi chợ nhỏ ngay mé biển. Như một quy luật, hơn mười năm nay khi cái “cảng” tự phát này hình thành, cứ vào mùa gió bấc, thuyền bè lại tụ về mạn phía Nam. Đến mùa gió Nam thổi, họ lại tụ về vùng biển phía Bắc của hòn để tránh. Rải rác giữa “cảng”, có những chiếc bè nho nhỏ và chủ nhân trên bè chào bán những chú mực tươi, tôm, ghẹ... vừa đánh bắt được với giá phải chăng.
Tiềm năng bị lãng quên!
Quần đảo An Thới nằm trải dài phía Nam đảo Phú Quốc và hòn đảo gần nhất chỉ cách cảng An Thới trên mười phút ngồi tàu. Biển ở đây trong xanh và sâu, có nơi đến 30 mét.
Ở hòn Thơm, hòn Rỏi... rải rác đây đó là những bãi san hô lộng lẫy. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi tham quan các hòn đảo, lội bộ trên triền cát, tắm biển, ngắm san hô. Người có máu mạo hiểm thì vạch cây, trèo đá chinh phục các dốc núi. Cách hòn Thơm trên mười phút đi tàu, du khách có thể ghé thăm làng câu mực. Ở đó, cứ đêm xuống, những ngư dân lại tụ về câu mực...
Cư dân trên các hòn đảo hầu hết làm nghề đánh bắt hải sản hoặc trồng cây ăn trái trên các sườn núi. Tuy chưa biết cách làm du lịch chuyên nghiệp, nhưng họ sẵn sàng làm “hướng dẫn viên” cho khách xem câu mực, bắt những con nhum bò trên ghè đá và chế biến thành những món đặc sản...
Quần đảo An Thới còn khá nhiều hòn đảo hoàn toàn hoang vắng. Theo ông Trần Hồng Cam, Bí thư xã Hòn Thơm, xã có đến 18 hòn đảo nhưng chỉ có năm đảo có người sinh sống. Ở những “hoang đảo” đó, chỉ có biển, núi, cây xanh và sóng biển, ở đó người ta có thể hòa mình với thiên nhiên, quên đi những tất bật, lo toan ngày thường.
Vẫn còn đọng trong ký ức cư dân những “làng mạc” trên biển này hàng loạt giai thoại, huyền thoại. Ngay cả những cái tên như hòn Kim Qui, Dăm Ngoài, Dăm Trong, hòn Thơm... đã có nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc tên gọi. Nhiều hòn đảo, theo tương truyền, đã có dấu vết quan quân triều Nguyễn lưu trú. Những ngôi miếu thờ các vị thần núi, thần rừng, thần biển... chính là vết tích của hàng trăm năm trước.
Có thể nói, quần đảo An Thới rất thích hợp cho các tour du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, câu cá, lặn biển... mà hầu hết du khách nước ngoài ưa thích. Thế nhưng lâu nay, ngoài một số tư nhân cho thuê tàu dạo quanh các hòn đảo, ngành du lịch vẫn chưa có cách gì để khai thác tiềm năng du lịch to lớn ở đây...
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)