Bà họ Nguyễn, tên Của, sinh ngày 25/02 năm Canh Thân (1800) tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước (nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Theo truyền thuyết, khi sinh ra, Bà đã có những điểm khác lạ: Con nhà giàu có, sinh tại nơi khuê các nhưng lại có bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh; dáng người khỏe mạnh, trắng như tuyết, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng. Bà mất ngày 19/11 năm Đinh Sửu (1817) và được dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm, hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh, cứu nhân độ thế, biến hóa thần thông trị tội tham quan. Và cũng chính Bà đã linh ứng tạo dựng bãi cát hoang vắng này thành ngôi chợ, để rồi người qua người lại nơi đây ngày càng đông. Về sau, nghĩ rằng sự hiện diện của ngôi chợ này là ân huệ được ban phát, dân làng lấy tên chợ là Chợ Được.
Để tri ân công đức của Bà, người dân làng Phước Ấm lập miếu thờ, ngày đêm hương khói và đệ đơn lên triều đình xin sắc phong. Năm Mậu Tuất (1898), Triều đình Huế ban sắc phong Bà là “Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Năm 1924, Vua Khải Định lệnh tặng cho Bà là “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”. Năm Đinh Mẹo (1927), vua Bảo Đại gia tặng Bà là “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”.
Người dân Bình Triều đón nhận sắc phong vào ngày 11/01 âm lịch, nên nay thành lệ “Hằng năm mười một tháng giêng/ Chưng Cộ hát bộ đua thuyền tri ân”.
Nét đặc trưng và độc đáo nhất trong lễ hội Bà Chợ Được là lễ rước Cộ với sự kết hợp tài tình, sáng tạo các thể loại hình nghệ thuật như hội họa, tạo hình, sân khấu, diễn xướng… Nghệ thuật chưng Cộ đã thể hiện kỹ thuật điêu luyện và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Chợ Được khi tạo ra những bàn Cộ mang đậm sắc màu dân gian; các em thiếu nhi hóa thân thành các anh hùng dân tộc hoặc thành nhân vật trong những sự tích, cổ tích từ ngàn xưa.
Ông Nguyễn Tấn Hòa, nguyên cán bộ Văn hóa xã Bình Triều, cho biết lễ hội Bà Chợ Được là tài sản văn hóa quý giá, là nét văn hóa truyền thống đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân Chợ Được nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung. Đây là một trong những lễ hội phản ánh rõ tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng biển Quảng Nam, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, qua đó mong ước bình dị về cuộc sống an lành, no đủ.
Hội Cộ diễn ra ban đêm ở lăng thờ Bà sau khi các vị cao niên trong làng hoàn tất phần lễ. Đi đầu đoàn Cộ là Sắc phong do 6 người khiêng (hoặc được đặt trên xe bò đẩy đi), có phường bát âm, trung đại cổ cùng cờ phướn, tán lọng; người dân hai bên đường bày hương án đốt cung kính nghinh đón. Sau đó là các cộ hoa được trang trí rực rỡ bằng hoa lá, giấy ngũ sắc và vải lụa đủ màu phục hiện các tuồng tích xưa. Năm nay, các nghệ nhân làng Phước Ấm đã chọn các trích đoạn diễn Cộ như Thánh Gióng đuổi giặc Ân, Hai Bà Trưng đánh Tô Ðịnh, Bác Hồ làm việc ở hang Pắc Pó… để biểu diễn trong lễ rước.
Đi sau cùng là kiệu Bà với ngai sơn son thiếp vàng, trên phủ lễ phục bằng nhung gấm màu đỏ. Kiệu được cung nghinh từ chính điện của lăng đưa ra sân với 6 người khiêng, phục trang áo nẹp, nón chóp, phụng tống 2 bên là các bô lão, nhân sĩ và chức sắc địa phương.
Sau lễ rước Cộ Bà là phần hội bao gồm: múa lân, đua thuyền, hát bội, các hoạt động thể dục, thể thao…, đặc biệt là hội đua thuyền trên sông Trường Giang. Ðã thành lệ, hội đua thuyền không thể thiếu các ghe đua đến từ khắp nơi như Hội An, Duy Xuyên, Ðại Lộc, Núi Thành (tỉnh Quảng Nam)…
Biên tập: Trung tâm Thông tin Du lịch