Một bản người Mông nhỏ bé với 887 người dân ở tỉnh Lai Châu được khách hàng của một hãng lữ hành nước Anh bầu là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Xã Pú Đao (tiếng Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”) thuộc huyện Sìn Hồ, cách thị xã Mường Lay 13km.
Thung lũng nơi sông Đà cắt sông Nậm Na |
Muốn đến đây phải ngồi xe Minsk qua cầu Lai Hà, theo một con đường nhỏ lên tận đỉnh núi cao với những khúc cua nghẹt thở. Xã chỉ có bốn bản nhưng phó chủ tịch xã Vừ A Chù làm việc ở bản trung tâm Hồng Ngài phải một tuần mới về thăm vợ con một lần vì nhà ông ở bản Nậm Pì cách đó 15km đi bộ.
Đẹp "Hết chê"
Ông Vừ A Chù chỉ tay: “Hồng Ngài từng có một sân bay của người Pháp, chỗ trường tiểu học kia, với nhiều công sự bằng đá nhưng nay chỉ còn dấu vết của mấy cái rãnh”. Nhưng khách Tây chẳng quan tâm đến cái sân bay chỉ còn trong quá khứ đó mà đến thẳng bản Nậm Đoong, cách Hồng Ngài chừng 5km trên con đường núi rất nên thơ được gọi là đường dân sinh.
Ôtô chẳng thể nào lên nổi bản Nậm Đoong nhưng các chàng trai trẻ người Mông cứ phóng xe máy ào ào trên con đường mòn rộng chừng 70cm giữa vách núi cao vút và vực sâu hun hút. Nậm Đoong ở ngay trên đỉnh núi với những mái nhà quần tụ dưới những lùm cây xanh tươi, đúng như lời phóng viên Quang Trung (tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Lai Châu): “Người Mông ở đây giữ rừng thật hay, chẳng thấy đất đai khô cằn như nhiều nơi khác”.
Trên núi cao nhưng vẫn bạt ngàn những vùng đầy hoa dại khiến người ta muốn thả mình vào để tận hưởng mùa rực rỡ nhất ở Tây Bắc. Chen lẫn với nương rẫy xanh ngắt dưới thung lũng hiểm trở kia là những cây cổ thụ lá đỏ rực. Khung cảnh đẹp như hãng lữ hành Gecko Travel bình luận: “Pú Đao là một điểm dừng thật dễ chịu để ăn trưa và ngắm nhìn những thung lũng ngoạn mục đến nỗi du khách không thốt được nên lời”.
Lợi thế của Pú Đao
Bạt ngàn hoa dại trên đỉnh núi cao |
Gecko Travel (geckotravel.com) là một hãng du lịch của nước Anh chuyên đưa khách đến Đông Nam Á, trong đó có loại hình trekking (dạng du lịch khám phá trên những con đường mòn ở vùng xa xôi, rừng núi...). Khách hàng của công ty này vừa bầu chọn năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á, đó là: vịnh Bái Tử Long, công viên Belum (Malaysia), núi Ban Traat (Thái Lan), công viên quốc gia Pha Taem (Thái Lan) và Lai Châu với Pú Đao. Trên trang web du lịch quốc tế gonomad.com, Siobhan McGeady cũng ca ngợi Pu dau (Pú Đao) là một điểm đến đẹp bất ngờ và thân thiện.
Ông Tú, hướng dẫn viên du lịch người Lai Châu, kể: “Khách nước ngoài lên Pú Đao chơi đã bốn, năm năm nay. Họ đến Hồng Ngài bằng ôtô, xe máy rồi đi bộ lên Nậm Đoong. Ai cũng nói cười hỉ hả ra chiều thỏa mãn lắm”.
Đáng ngạc nhiên là nhiều hãng lữ hành VN không hề biết Pú Đao ở đâu. Anh Tạ Xuân Thắng, quản lý khách sạn Lan Anh ở thị xã Mường Lay, nói: “Những tour kiểu như đến Pú Đao thường chỉ do mấy công ty nước ngoài khám phá. Chính chúng tôi cũng bất ngờ. Nó ở ngay bên cạnh mà mình đâu có biết”(+).
Gecko Travel cho rằng lợi thế của Pú Đao là chưa có nhiều du khách đặt chân tới. Vì vậy nơi đây còn giữ được vẻ nguyên thủy hoang sơ của cảnh quan, sự chất phác của con người - những cô gái Mông xinh đẹp nép sau lùm cây lấy vạt áo che mặt, những đứa trẻ mắt lúc nào cũng mở rất to tràn ngập cả khung hình máy ảnh của du khách.
Trên con đường lên Pú Đao, người ta nhìn thấy một thung lũng chỗ sông Đà cắt sông Nậm Na, nơi có một quần thể nhà sàn của người Thái, ngôi biệt thự còn lại của vua Thái Đèo Văn Long với bãi bồi xanh ngát. “Đó là chỗ đẹp nhất để ngắm sông Đà” - Curtis, du khách người Thụy Điển, hào hứng. Anh đang nghỉ ở khách sạn Lan Anh, nơi hằng đêm có 10-20 khách nước ngoài lưu trú. Còn thị xã Mường Lay đang buồn hiu hắt chờ qui hoạch lòng hồ thủy điện Sơn La.
(Theo: Tuổi trẻ)