Nằm trên dải đất miền Trung, giữa đèo Cả (ở phía Nam) và đèo Cù Mông (ở phía Bắc), là mảnh đất hiền hoà Phú Yên. Với nhiều danh lam, thắng cảnh rất độc đáo và hoang sơ, du lịch Phú Yên đang chờ đợi bước chân du khách thập phương đến khám phá...
Những danh thắng có một không hai
Phú Yên nằm cách TP.HCM khoảng 500 km. Theo quốc lộ 1A, qua khỏi tỉnh Khánh Hoà, du khách bước vào Phú Yên bằng đèo Cả dài 12 km, cao 407 m với một bên là núi rừng trùng trùng điệp điệp, núi nối tiếp núi, và một bên là biển trong xanh rì rào vỗ sóng. Rừng và biển, Phú Yên có cả, đó là những yếu tố cần và đủ để làm nên một thành phố du lịch. Tuy nhiên, du lịch Phú Yên còn chưa được nhiều du khách biết đến.
Nhưng lạ là khi nhắc đến tên của các địa danh thắng cảnh, những di tích lịch sử ở nơi đây thì ai cũng biết. Như Vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, phá Tam Giang, biển Bãi Môn - mũi Đại Lãnh, núi Đá Bia... Đã một lần đặt chân đến đây, du khách sẽ bị cuốn hút vào những danh thắng đẹp hoang sơ, đầy chất tự nhiên mà không dứt ra được. Đấy cũng là điểm đặc biệt của du lịch Phú Yên, “hoang sơ”. Tất cả những nơi chúng tôi có dịp đặt chân đến đều còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ chưa có bàn tay của con người chạm đến.
Ở giữa khu vực đèo Cả, nằm trên đường xuyên Việt là núi Đá Bia còn gọi là Thạch Bi Sơn cao 706 m. Đây là ngọn núi cao nhất khu vực đèo Cả. Từ dưới nhìn lên đỉnh núi lúc nào du khách cũng có thể thấy mây mù vây phủ tứ bề. Du khách phải vượt qua đoạn đường dài 2 km khúc khuỷ, quanh co, những cây cầu dựng thẳng đứng, cheo leo mới có thể lên đến đỉnh núi. Nhiều du khách đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì đoạn đường lên đỉnh núi quá khó khăn. Nhưng đã lên đến đỉnh rồi thì vẻ đẹp xung quanh là phần thưởng vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho “người hùng”, chinh phục núi Đá Bia. Trên đỉnh núi ngoài chuyện khí hậu mát mẻ, nhìn thấy phong cảnh bao la hữu tình bên dưới còn có một khối đá khổng lồ cao 76m. Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, du khách có thể khám phá ra những hình thù kỳ lạ. Theo truyền thuyết, năm 1471 khi Vua Lê Thánh Tôn nam tiến đã dừng quân trên đỉnh núi và sai khắc chữ lên mặt đá để phân định ranh giới giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành.
Nằm giữa trung tâm thị xã Tuy Hoà là Núi Nhạn hay còn được gọi là “Núi Bảo Tháp” hoặc “Tháp Dinh”, cao 64 m so với mặt nước biển. Trên đỉnh Núi Nhạn sừng sững ngôi tháp Chăm cổ kính được xây dựng vào đầu thế kỷ 11. Đây là một ngôi tháp vào loại lớn nhất của người Chăm. Tháp có cấu trúc khối hình chóp vuông vững chắc cao 25 m, gồm tất cả 4 tầng thu nhỏ dần khi lên cao. Ngôi tháp này được xây dựng bằng nhiều hòn gạch xếp chồng lên nhau, hẳn sẽ gây cho du khách nhiều hứng thú khi tự hỏi không biết những hàng gạch ấy được kết dính với nhau bằng chất liệu gì lại có thể chắc đến thế, tồn tại qua bao thế kỷ. Đối với nhiều người đây vẫn còn là điều bí ẩn. Nhiều người kể rằng, khi nước Đại Việt và Chiêm Thành đánh nhau bất phân thắng bại thì hai bên bèn đưa ra kế sách phân định cao thấp bằng việc xây tháp. Vốn nổi tiếng bằng chuyện xây tháp nên người dân Chiêm Thành đã dựng lên ngôi tháp này. Còn người Đại Việt thấy người Chiêm Thành làm gần xong mới bắt tay vào làm. Cuối cùng, người Đại Việt cũng dựng một ngôi tháp bằng “giấy” ở núi đối diện chỉ trong một đêm, cùng lúc với ngôi đền của người Chiêm Thành, vậy là vẫn bất phân thắng bại. Sau đó, người Đại Việt nghĩ ra kế đốt tháp, nếu tháp nào cháy nhanh hơn thì quân của bên còn lại phải rút đi. Lửa bốc cháy đỏ cà một góc trời. Tháp của Đại Việt bằng giấy nên vừa châm lửa đã cháy thiêu rụi hoàn toàn, còn Tháp của người Chăm thì càng đốt càng đỏ như than chứ không cháy. Thế là người Chiêm Thành đành phải rút quân.
Ngày nay, cụm danh thắng này đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia. Đứng trên Núi Nhạn du khách sẽ phóng tầm mắt nhìn thấy toàn cảnh thị xã Tuy Hoà, núi rừng non nước, thấy sông Đà Rằng... Đến Núi Nhạn vào rằm tháng giêng, du khách sẽ còn được tham dự vào “Hội thơ Nguyên Tiêu” có một không hai.
Nơi đón bình minh sớm nhất
Dọc khu vực miền Trung có tổng cộng 18 ngọn hải đăng. Mỗi ngọn hải đăng có một bề dày lịch sử riêng và có một tầm quan trọng của nó. Mảnh đất Phú Yên cũng có một cảnh quan kỳ thú ở phía Nam, nơi có một doi đất liền của tổ quốc vươn xa nhất ra biển Đông, đây là điểm cực đông của tổ quốc với ngọn hải đăng được gọi là mũi Điện.
Cuối thế kỷ XIX, đại úy hải quân Pháp Varella phát hiện và ghi dấu tầm quan trọng của doi đất nói trên trên bản đồ hàng hải và người Pháp gọi là mũi Cap Varella hay Mũi Nạy. Năm 1890, người Pháp xây dựng hải đăng trên đỉnh Mũi Nạy ở độ cao 86 m so với mặt biển. Thời đó người dân đi biển nhìn vào ngọn hải đăng để định vị và gọi quen miệng đó là Mũi Điện. Năm 1945, hải đăng Mũi Điện tạm ngưng hoạt động. Đến năm 1961, chính quyền Sài Gòn khôi phục hải đăng nhưng hoạt động chưa lâu thì phải tạm dừng bởi Mũi Điện nằm trong khu vực căn cứ miền đông của cách mạng, là hành lang đón các con tàu không số. Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vịnh Vũng Rô, Mỹ ngụy ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng này. Sau đó, hải đăng Mũi Điện được xây dựng lại và chính thức đưa vào hoạt động ngày 3/7/1995, là một trong 45 đèn biển cấp một quốc gia trong cả nước.
Từ chân tháp đến ngọn, đèn biển cao khoảng 26 m với 100 bậc cầu thang xoắn ốc làm bằng gỗ Lim. Ngọn hải đăng này sử dụng thiết bị thu năng lượng mặt trời phát đèn tự động từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Trước kia, muốn đến được Mũi Điện người ta phải đi tàu mất hàng giờ. Ngày nay, du khách có thể ngồi trên xe ô tô theo con đường nhựa phẳng lì dọc theo bờ biển để đến Mũi Điện với khoảng vài chục phút từ thị xã Tuy Hoà. Từ chân núi, du khách mất khoảng 20 phút là có thể lên đến đỉnh Mũi Nạy, khám phá ngọn hải đăng. Điểm đặc biệt, dưới chân Mũi Điện là biển Bãi Môn nằm lọt giữa hai dãy núi tạo thành một vịnh nhỏ nước trong như ngọc bên cạnh một đồi cát di động như đồi Hồng ở Mũi Né. Vừa cắm trại, vừa tắm biển, vừa thưởng thức hải sản và vừa có thể đón ánh bình minh sớm nhất trên toàn cõi Việt Nam là điều hấp dẫn đối với tất cả những ai mê du lịch, khám phá.
Nhà thờ cổ thứ ba trên thế giới
Nhà thờ Mằng Lăng ở xã An Thạch, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa 35 km về phía Bắc. Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng vào năm 1892. Chủ trì việc xây dựng là linh mục Joseph de La Cassgne, người Pháp, tục gọi là Cố Xuân - vị linh mục đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng. Đường vào nhà thờ đi qua con đương đất ngang qua phá Tam Giang với dòng nước trắng xoá.
Nhà thờ nằm trong khuôn viên rộng khoảng 5.000 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc gô-tích cổ điển, có trang trí nhiều hoa văn. Hai lầu chuông ở hai bên, chính giữa là thập tự giá. Giữa cảnh quê sông nước dân cư trù mật. Cạnh nhà thờ có phòng truyền thống mang tên Anrê Phú Yên, lưu trữ và triển lãm trang trọng tất cả những tư liệu liên quan đến Chân Phước Anrê Phú Yên. Đây là người tử vì đạo đầu tiên trong số 117 vị tử vì đạo đã được phong Hiển Thánh. Tại nhà thờ này còn lưu giữ được một ít tóc của Chân Phước Anrê Phú Yên. Gây ấn tượng nhất là sa bàn đắp nổi cả vùng dinh Trấn Biên xưa với nhà thờ Mằng Lăng nay. Phú Yên - Mằng Lăng có núi non - sông nước - bình nguyên - biển cả và con người hiền hòa, vừa là nơi đất lành chim đậu, vừa là nơi du lịch kỳ thú và cũng là nơi hành hương di dưỡng tâm hồn...
(Theo: Thanh niên)