Sau một thời gian tìm hiểu, chàng trai thấy ưng cô gái nào đó sẽ về thưa chuyện với bố mẹ để làm lễ so tuổi. Đây là nghi lễ rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hôn sự của đôi trai gái. Sau lễ so tuổi, thấy đôi trai gái hợp nhau, gia đình nhà trai nhờ một người có tài ăn nói làm ông mối giúp gia đình tổ chức lễ dạm ngõ. Nếu gia đình nhà gái đồng ý thì sau một vài ngày sẽ nhờ người báo cho gia đình nhà trai biết để tổ chức lễ ăn hỏi. Trong lễ ăn hỏi, gia đình nhà trai mời ông mối và vài cô, chú ruột trong gia đình, một người ngoài dòng họ đi cùng để chứng kiến, hai gia đình bàn, thống nhất hình thức tổ chức lễ cưới và số lễ vật nhà trai phải mang sang.
Lễ cưới chính thức thường được tổ chức vào tháng tám, tháng chín âm lịch, đây là khoảng thời gian rỗi rãi, mùa màng đã thu hoạch xong. Gia đình nhà trai sẽ nhờ thầy chọn ngày tốt, ngày đẹp rồi bỏ vào túi giấy hồng nhờ ông mối mang sang thông báo cho gia đình nhà gái biết để chuẩn bị tổ chức lễ cưới chính thức. Ngày cưới, gia đình nhà trai, nhà gái mời đông đủ anh em, bạn bè, bà con hàng xóm về dự và chúc phúc cho con cháu. Nhà cửa, buồng cô dâu, chú rể được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí lộng lẫy với mong muốn cặp vợ chồng sau này sẽ có cuộc sống giàu có, hạnh phúc. Đồng thời, gia đình nhà trai sẽ mời một người thầy cúng có pháp thuật cao siêu trong làng đến giúp gia đình làm các nghi lễ trong đám cưới và làm bùa phép tránh mọi tà ma vào quấy quả, làm hại cô dâu, chú rể.
Đến giờ hoàng đạo, đoàn rước dâu nhà trai gồm 9 người gồm một ông trưởng đoàn và người quản lý lễ vật và một số người khác mang lễ vật. Trước khi đoàn rước dâu khởi hành, thầy cúng làm lễ, yểm quà, làm phép thu vía của mọi người trong đoàn rước vào trong chiếc ống của trưởng đoàn. Chiếc ô được trưởng đoàn giữ cẩn thận bên nách trái. Lễ vật được sắp xếp cẩn thận vào trong một chiếc gùi để phái đoàn mang sang.
Theo phong tục cưới xin của người Dao tuyển, trên đường rước dâu họ phải nghỉ trọ qua đêm ở ngang đường do nhà gái lựa chọn, đây là nghi lễ bắt buộc. Khi gần đến nhà trọ, mọi người chỉnh lại trang phục, quần áo, mũ, khăn, quạt đợi nhà gái làm lễ "hợp chảnh" rồi mới được bước vào nhà. Lúc này trong nhà, gia đình nhà gái đã dựng sẵn 3 cửa ải để phái đoàn nhà trai vượt qua. Qua được 3 cổng này thì đoàn nhà trai mới vào được nhà gái, khi vào nhà gái, bên nhà gái sẽ cử 3 ông tam phẩm ra tiếp đón.
Sau khi phái đoàn nhà trai bước vào nhà, ông trưởng đoàn mượn gia đình nhà gái một chiếc mâm để đặt phong thư giấy hồng, 2 đồng bạc trắng, 2 lít rượu, một con gà rồi giao cho gia đình nhà gái làm lễ trình "phong thư", để làm lễ báo cáo với tổ tiên. Tiếp đó là lễ "bản mệnh", rồi lễ "qua ải bố mẹ" để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Sau lễ qua ải, bố mẹ là lễ hợp duyên, ông trưởng họ ngồi trước mâm hợp duyên làm chủ lễ, lúc này cô dâu dắt từ trong buồng ra, còn chú rể đưa từ nhà trọ về nhà gái. Cả cô dâu và chú rể đầu chùm áo kín mặt, họ đưa hai người ngồi gần nhau để trưởng họ làm lễ báo cáo với tổ tiên và cầu mong cho hai vợ chồng sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long rồi hai vợ chồng bỏ khăn, áo chùm mặt đi vào buồng. Lúc này, phái đoàn nhà trai, nhà gái cử người ra hát đối đáp chúc phúc cho hai vợ chồng. Sau khi vào buồng xong, cô dâu, chú rể ra ngoài làm lễ bái đường "pai đoòng", cầu mong tổ tiên phù hộ cho hai vợ chồng, sau đó hai vợ chồng mang rượu đi mời cảm ơn mọi người đã đến dự lễ cưới chúc phúc cho hai vợ chồng.