Những người yêu nhau, nhạc sĩ và nhà thơ, người xa Hà Nội gọi phố Nguyễn Du bằng cái tên mộng mơ: phố Hoa Sữa.
Đường Nguyễn Du nồng nàn hương hoa sữa |
Người Việt Nam mấy ai không thuộc một vài câu Kiều. Nguyễn Du (1765-1820), người viết nên thiên truyện Kiều ấy, là con trai thứ bảy của tể tướng Nguyễn Nghiễm. Quê cha Hà Tĩnh, còn mẹ là người quan họ Bắc Ninh, có lẽ vì thế mà trái tim cậu Chiêu Bảy đã run rẩy mấy trăm năm một chất đằm thắm trữ tình.
Hà Nội có phố Nguyễn Du, 1.060 mét đường nhựa phẳng phiu có so sánh được chăng với 56 năm đầy gập ghềnh đời thi sĩ? Ngẫu nhiên chăng khi (phố) Nguyễn Du ở trung tâm Hà Nội nối (phố) Huế vào (đường) Nam Bộ, long lanh một con hồ Thiền Quang như con mắt nhỏ xanh xanh ngự toạ một cụm chùa cổ với những hàng cây lao xao bốn mùa lá múa.
Sinh thời, gần hai trăm năm trước, cái ông quan Tham Tri, ông ở ẩn tự xưng là thợ săn trên núi Hồng (Hồng Sơn liệp hộ), ông thi sĩ viết bài Văn tế thập loại chúng sinh ghê rợn ấy... có lần nào bơi thuyền, ngồi câu trên sóng nước con hồ nối với bảy mẫu, ba mẫu mà lúc ấy hẳn phải còn tre trúc, ngõ quê, cầu ao mái lá, thấp thoáng áo dài nâu Đồng Lầm làm mê lòng bao công tử, thi nhân, thầy khoá? Nguyên đây là mảnh đất phía nam kinh thành, mang tên phường Phục Cổ, thôn Thuần Mỹ, thôn Liên Thuỷ, thôn Cung Tiên thuộc huyện Thọ Xương văng vẳng tiếng gà. Giữa ngã ba phố Nguyễn Du, là lối vào phố Liên Trì, dấu tích một đầm sen, bởi đến đầu thế kỷ này, hồ Thiền Quang còn ăn sang cả phố Quang Trung, chỗ trường tiểu học, mà khi quy hoạch đường bàn cờ, hồ mới bị lấp đi. Đoạn đầu phía đông, gần phố Huế đến ngã tư phố Quang Trung từng mang tên Rikiê (Riquier), đoạn giữa kề mép hồ là phố Hale (Halais) tên một viên Đốc lý người Tây, đoạn cuối phố giáp với Hàng Lọng, Nam Bộ, Lê Duẩn là phố Đuyphuốc (Dufourcq). Từ cách mạng, phố mới mang tên Nguyễn Du, những người yêu nhau, nhạc sĩ và nhà thơ, người xa Hà Nội lại gọi nó bằng cái tên mộng mơ: phố Hoa Sữa.
Những cây sữa cao vút cành thưa lá thoáng, cứ cuối thu lại xức vào lòng Hà Nội một loài hương nồng nàn quyến rũ thành kỷ niệm tình yêu, thành nỗi nhớ trong hồn, thành niềm mong của người chưa một lần đến Hà Nội. Cho đến khi gió bấc đổ về tê tái, quả sữa treo mành, chờ mùa hè sang năm mới thả những đàn con đi lang thang đậu vào vai áo người, có cô gái hoảng hốt tưởng là con sâu gì, nhưng chợt nhớ đó chỉ là hạt cây có lông tơ, bay lãng đãng. Trời đất kết kinh, nó sẽ tìm được nơi nào trú ngụ, ai mà biết được.
Với một ngàn thước đường cây, phố Nguyễn Du có nhiều nhà khá đẹp. Phố xuất hiện khi Hà Nội đã thành đô thị, nên thẳng băng, mát mẻ, thoáng đãng...
Quãng phố trông ra hồ Thiền Quang là một khoảng mây trời thơ mộng, mây soi bóng vào lòng hồ, mặt nước có những con thiên nga, con cá chép, con rồng, tất cả bằng sắt tây, bơi được nhờ vào chân người, có mấy quán cà phê đặt ghế mây sát những bức tường có hoa leo cho khách ngồi nhâm nhi trong gió hồ thổi tung ngực áo; tự thưởng cho mình chút không gian hé mở sau những chật chội nào Trần Quốc Toản, Hạ Hồi, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài gần đó.
Sáng sáng bờ hồ Thiền Quang thành sân tập thể dục của các cụ già trong các câu lạc bộ ngoài trời, giơ tay, giơ chân, đi bộ, tập thở... Thời gian của con người sao mà vội vã, đã bao lớp qua, rồi đến lượt ta, rồi lớp sau này... chỉ có gió hồ là hào phóng, cho họ chẳng tiếc chút gì.
Còn buổi tối và đêm về, có hương hoa sữa nồng nàn một làn thơm. Còn ven hồ đây có nhiều cây cụt, những cây hai gốc, chẳng cành, chẳng lá, hai gốc ấy cứ chạm vào nhau, sát vào nhau mà thì thầm, mà rúc rích... có lẽ chỉ có lớp cỏ bên hồ nghe thấy và nhìn thấy lặng lẽ các chuyện đời, kể cả một cây xà cừ đổ bão, nằm ngang mặt đất, bò một quãng dài rồi cứ vươn lên không chịu chết, không chịu thành củi, mà lớn lên, mà xanh ngắt, mà thành chiếc cây kỳ dị, nửa đứng, nửa nằm đã bấy nhiêu năm.
Phía đầu phố, từ ít lâu nay đã hình thành một đoạn toàn những hàng ăn uống, nào phở gà, phở bò, phở trứng, nào rượu thuốc, rượu trắng, nào cà phê, nước trà... Hàng thuốc lào ông Cả Nghị nổi tiếng từ rất lâu đời cũng đã thoát hình thành tiệm phở, bàn ghế trắng toát.
Cũng may mà phố Nguyễn Du không giống như đoạn phố Mai Hắc Đế, Trần Nhân Tông, hàng hoá lấp cả người ngồi người đi, phố Nguyễn Du vẫn còn dăm ba khuôn viên, ít biệt thự, phần nào giữ được chút thanh lịch một Hà Nội hào hoa, với vài ba quầy bán báo, ít hàng quả tươi đẹp, có chỗ chuyên ươm và bán các loại xương rồng...
Đôi khi đi lang thang trên hè phố, chợt vẳng lên trong tâm thức một câu Kiều... cũng không cần biết đúng hay sai, giống như không cần xác định Nguyễn Du là người Hà Tĩnh, Bắc Ninh hay Hà Nội trong lúc hoa sữa cứ ngào ngạt tâm hồn.
(Nguồn quehuong.org.vn - Băng Sơn)