Mái ngói chồng chéo nhau, tường rêu, các dãy cột gỗ cổ phía trước những ngôi nhà hai gian với cửa sổ trang trí hài hòa… Đó chính là hồn của phố cổ Hà Nội, di sản văn hóa “Hà Nội - một nghìn năm Thăng Long” mà các thành phố hiện đại không thể có.
Ô Quan Chưởng (Cổng Đông Hà) - một di tích còn tương đối nguyên vẹn của 36 phố cổ |
Nói đến phố cổ Hà Nội, phải kể đến mạng lưới không gian đô thị với hệ thống các phố nhỏ, ngõ hẹp tiếp nối những đường quanh tự nhiên được chia theo chiều thẳng đứng của thành phố. Các ngôi nhà được xây dọc hình ống với mái ngói rêu gồ ghề bao phủ với nhiều vẻ trang nhã mang đậm tính truyền thống VN.
Đặc trưng tiêu biểu của phố cổ là các phố và ngõ dài được tạo giống như hình răng lược. Tất cả các ngôi nhà hai bên đường đều theo kiểu “nhà ống” với đặc điểm là trần nhà thấp, bề ngang hẹp nhưng lại rất dài và được sắp xếp cạnh nhau, nguồn gốc của nhà ở VN. Một mặt giống như một hình ống dài và hẹp, mặt kia đối diện với phố hoặc ngõ khác.
Bố cục cũng tương tự: Gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng. Tiếp đó là một khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng. Gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối vào đó là bếp và khu phụ. Phần lớn là nhà một tầng lợp bằng những viên ngói nhỏ nhắn với nét đặc trưng là hai bức tường hồi vượt lên khỏi mái, xây dật cấp như những bậc thang và đầu nóc là hai trụ đấu ngộ nghĩnh.
Hình ảnh một góc 36 phố cổ Hà Nội được tái tạo bằng kỹ thuật 3D. |
Cũng có một số nhà xây thêm tầng gác nhưng thấp và không mấy khi trổ cửa sổ, nếu có thì rất nhỏ (vì các triều đại cũ cấm dân không được nhìn mặt vua, nhất là nhìn từ trên cao, khi vua ngự giá trên đường).
Các phố được sắp xếp dựa trên những phường thủ công, phương thức sản xuất, tổ chức xã hội, thiết chế tín ngưỡng, văn hóa và thậm chí các phố còn được bố cục theo cách xây dựng, được liên kết bởi những vùng khác nhau trong cả nước nơi các phố xuất hiện sau các phường. Điều đó có nghĩa là một nhóm thợ thủ công tập hợp lại để tập trung sản xuất và thương mại trước khi phố và tên phố được hình thành. Vì vậy, đặc tính chung của nhiều phố cổ Hà Nội là các phố bắt đầu với từ tiếng Việt “Hàng”, được gắn theo sau bởi một từ chỉ một nghề nào đó, ví dụ: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Thiếc,..
Một gian hàng ở 36 phố cổ Hà Nội xưa. |
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều phố với những tên bắt đầu với từ Hàng đã có những tên phố bị đổi, trong khi đó một số phố khác vẫn giữ lại được sự nguyên vẹn như một giá trị đặc biệt của Thăng Long Hà Nội cổ kính.
Từ phía bắc của Hồ Hoàn Kiếm, du khách có thể tản bộ dọc Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường để tới chợ Đồng Xuân. Bên cạnh chợ Đồng Xuân là phố Hàng Mã, hàng năm cứ đến thời điểm tết Trung thu thì cả phố Hàng Mã luôn tràn ngập thị trường đồ chơi nhiều màu sắc cho trẻ em.
Đi bộ từ cuối Hàng Mã thẳng đến phố Hàng Chiếu( là phố chuyên bán chiếu),đầu phố khác bắt đầu là Ô Quan Chưởng (Cổng Đông Hà) - một di tích còn tương đối nguyên vẹn của 36 phố cổ. Phố Hàng Bạc, bên trong phố cổ Hà Nội, là trung tâm của các thợ vàng bạc và thợ kim hoàn tạo ra những đồ trang sức đẹp và công phu, nổi tiếng ở trong cũng như ngoài nước.
Trong mắt của hầu hết du khách, phố cổ Hà Nội là di sản hiếm có, một thực thể sống còn sót lại qua nhiều thử thách của thời gian. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã quan sát thấy phố cổ là nét đẹp quyến rũ của Hà Nội; nếu nó không tồn tại thì Hà Nội sẽ mất đi vẻ đẹp hấp dẫn mà không nơi đâu có được.
Theo Sở Du Lịch Hà Nội