Với độ cao 1.931m so với mặt nước biển, dãy núi Phia Oắc được coi là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng. Con đường tới Phia Oắc là con đường vàng, được UBND tỉnh Cao Bằng đưa vào quy hoạch Du lịch sinh thái khu rừng đại ngàn Trần Hưng Đạo và vùng phụ cận.
Đến với đỉnh Phia Oắc, nếu xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, du khách có thể đi theo mạch vòng từ Tây Bắc sang Đông Bắc qua các địa danh lịch sử cách mạng: Thái Nguyên - Bắc Kạn (hồ Ba Bể, khu rừng Trần Hưng Đạo lịch sử). Từ Nguyên Bình lên đỉnh Phia Oắc chỉ hơn 20km xuyên qua khu rừng nguyên sinh trùng điệp, với nhiều loại cây, động vật quý, nơi đây được đồng bào dân tộc giữ gìn màu xanh của rừng.
Chinh phục được đỉnh Phia Oắc, du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn toàn cảnh thị xã Cao Bằng với những cảm nhận đắm chìm trong mây trên độ cao 1.931m tuyệt vời này.
Trở lại với địa danh cách mạng, nơi du lịch sinh thái về với cội nguồn, nơi điểm đầu của đường Hồ Chí Minh: “Bắc Pó - Mũi Cà Mau”; quý khách có thể đi tiếp để chứng kiến cột mốc biên giới quốc gia tại Thác Bản Giốc, chứng kiến dòng chảy liên tục thể hiện mối tình hữu nghị Việt - Trung.
Trên đường về Thủ đô, du khách tiếp tục cuộc hành trình của mình trên quốc lộ Cao Bằng - Lạng Sơn với địa danh gắn liền với chiến dịch Biên Giới, Đông Khê - Thất Khê, Tràng Định - Lạng Sơn. Nơi đây cũng là địa điểm phát sóng của Đài TNVN phục vụ công cuộc kháng chiến, và bây giờ, trên đỉnh Mẫu Sơn hùng vĩ, du khách có thể ngắm tuyết, thăm Đài FM 101MHz, tìm hiểu văn hoá dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Lạng Sơn.
Phia Oắc cũng là điểm đến du lịch của tỉnh Cao Bằng. Hiện tại, tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp những con đường đến nơi này. Bà Nông Thị Thanh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã có kế hoạch phát triển du lịch, phát triển tiềm năng khu vực vùng sinh thái này, giữ vững màu xanh của rừng, không cho khai thác rừng, thăm dò khoáng sản bừa bãi nhằm bảo tồn giá trị do thiên nhiên tạo hoá hàng ngàn năm.
(Nguồn website VOV)