Du lịch hiện chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của Sa Pa và đóng góp không nhỏ vào tổng thu nhập của tỉnh Lào Cai. Ða dạng hóa sản phẩm, vừa chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đầu tư du lịch, du lịch Sa Pa đang từng bước phát triển tương xứng tiềm năng để trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia trong không gian tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc của đất nước.
Với tiềm năng dồi dào, du lịch của Sa Pa đã xây dựng và phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, từ nghỉ dưỡng đến du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng đến du lịch MICE, tổ chức hội nghị, hội thảo. Bên cạnh việc lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, lôi cuốn du khách trong nước và ngoài nước, tỉnh Lào Cai cũng mở ra những cơ chế khuyến khích, mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Ðảng bộ và chính quyền huyện đã thảo luận và thông qua chương trình phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2006 - 2010 với các dự án cụ thể. Các sự kiện và hoạt động nằm trong chương trình Du lịch về cội nguồn phối hợp ba tỉnh như Tuần văn hóa du lịch Sa Pa, Chương trình leo núi, khám phá Phan Xi Păng, v.v được tổ chức hằng năm đã và đang dần tạo thành một thương hiệu sản phẩm độc đáo của du lịch địa phương. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số độc đáo và hấp dẫn như: Hội xòe của dân tộc Tày tại xã Thanh Phú; hội hát Then tại xã Bản Hồ; hội hát giao duyên của dân tộc Dao tại xã Tả Phìn; hội Gầu Tào của dân tộc Mông tại xã San Xả Hồ; hội xuống đồng của dân tộc Dáy tại xã Tả Van... Chính quyền Sa Pa và ngành du lịch còn tăng cường lắp đặt bổ sung các biển thông tin chỉ dẫn tuyến, điểm du lịch trên địa bàn; thực hiện đầu tư nâng cấp điểm du lịch Thác Bạc, hang động Tả Phìn, chợ văn hóa Tả Phìn; tổ chức hội nghị các nhà đầu tư du lịch kinh doanh lưu trú và lữ hành; xây dựng và quản lý hiệu quả kinh doanh các tua, tuyến du lịch, mở chợ đêm Sa Pa và chợ văn hóa du lịch Tả Phìn; hướng dẫn xây dựng, nâng cao năng lực du lịch cộng đồng tại xã Tả Van, Bản Hồ, Nậm Sài...
Từ những cố găng nêu trên, những năm qua, du lịch của Sa Pa tăng trưởng không ngừng. Nếu như cách đây mười năm, Sa Pa mới có 42 cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ thì đến nay đã có gần 150 cơ sở lưu trú với gần 2.500 phòng cùng hơn 83 cơ sở lưu trú tại gia đình ở các xã, bản văn hóa dân tộc thiểu số. Các khách sạn ngày càng được nâng cấp, đầu tư hiện đại, đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách quốc tế, trong đó có hàng chục khách sạn đạt tiêu chuẩn từ hai đến bốn sao tại thị trấn Sa Pa. Gần đây, trong dịp cả nước chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sa Pa khai trương thêm một Khách sạn Sao Phương Bắc được Tổng cục Du lịch công nhận đạt hạng ba sao. Nằm tại trung tâm thị trấn, tựa lưng vào dãy núi Hàm Rồng, nhìn về phía hồ Sa Pa, có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khách sạn vừa mang dáng vẻ kiến trúc hiện đại, vừa phù hợp cảnh quan của một thị trấn du lịch miền núi với hàng chục phòng tiêu chuẩn và phòng VIP. Từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất trời và phong cảnh thành phố trong sương. Tiến sĩ Chu Xuân Lai, Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam - PVFI, đơn vị đầu tư xây dựng khách sạn cho biết: Việc đưa khách sạn vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút du khách và tăng tính chuyên nghiệp của du lịch Sa Pa, đồng thời đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðây là một trong những công trình trọng điểm của địa phương và đã được gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của tỉnh Lào Cai.
Cùng với sự phát triển của du lịch, lực lượng lao động địa phương làm việc trong các cơ sở lưu trú tăng nhanh, hướng dẫn du lịch cũng tăng nhanh, qua đó từng bước nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân. Riêng trong năm 2009 đã có hơn 400 nghìn lượt khách đến Sa Pa, tăng 21% so với năm trước. Du khách đi theo các tua du lịch tham quan các làng, bản lên tới hơn mười nghìn đoàn, với hơn 50 nghìn lượt khách. Ðây đã và đang là một nguồn tạo việc làm và thu nhập cho nông dân ở các xã phát triển du lịch làng, bản, du lịch cộng đồng.
Ðể tiếp tục khai thác hiệu quả và phát triển du lịch tương xứng tiềm năng, chính quyền và ngành du lịch Lào Cai cũng như Sa Pa đang tiếp tục nỗ lực xây dựng, tạo điều kiện và môi trường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; không ngừng cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch; chú trọng phát triển du lịch làng, bản, du lịch cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch trong nhân dân cũng như chính quyền, từng bước tăng cường quản lý, thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ du khách./.
Nguồn: Báo Nhân dân