Hình ảnh từng đoàn khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến với các điểm du lịch cộng đồng sinh thái ở Cát Bà như Việt Hải, Xuân Đám, Hiền Hào… trong mùa đông này cho thấy sự chuyển động mới của Cát Bà. Đó là dần thay đổi cách làm du lịch theo mùa. Tuy nhiên, cách thức làm du lịch cộng đồng phải giữ được tiêu chí môi trường sinh thái, gắn với phát triển đời sống của người dân bản địa.
Người dân được hưởng lợi
Du khách đến Cát Bà vào những ngày này thỏa chí khám phá thiên nhiên, văn hóa và tận hưởng không khí trong lành của nhiều địa danh như vịnh Lan Hạ, điểm du lịch cộng đồng xã Việt Hải, Xuân Đám, Hiền Hào, Gia Luận…
Xã Việt Hải là điểm du lịch cộng đồng được du khách ưa chuộng, tìm đến ngày càng đông. Người dân trong xã tự cung cấp các dịch vụ du lịch, làm hướng dẫn viên giới thiệu các địa danh, tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị văn hóa cộng đồng. Có hàng chục hộ dân trong xã làm dịch vụ cho thuê xe đạp, dịch vụ lưu trú, xe ôm... Thuộc từng ngóc ngách của rừng, núi, hang động nên người dân nơi đây trở thành những “hướng dẫn viên” vừa dẫn đường, vừa giới thiệu cho du khách những “bí ẩn” về các loài động, thực vật, cỏ cây, hoa lá… Do vậy, việc tạo ra thu nhập cho mỗi hộ từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày không khó, nhất là khi đến thăm Việt Hải, khách du lịch có xu hướng nghỉ lại qua đêm vì địa hình xa xôi, cách trở và thiên nhiên hoang sơ luôn tạo hứng thú, giữ chân du khách. Khi đó, người dân có điều kiện mở rộng dịch vụ các món ăn trên đảo được chế biến từ rau xanh hải sản, thịt lợn, ếch…
Với đặc thù địa hình vườn đồi xen kẽ trong các khu dân cư, người dân các xã Trân Châu, Gia Luận, Xuân Đám… phát triển mô hình vườn cây ăn quả. Đây là mô hình thiết thực, tăng thu nhập từ sản phẩm hoa quả và dịch vụ du lịch đi kèm. Tuyến đường du lịch sinh thái dẫn vào khu leo núi mạo hiểm ở thôn Liên Minh (xã Trân Châu) chính là sự kết hợp phát triển kinh tế vườn với dịch vụ du lịch. Thực tế, đây là một trong những khu vực có nhiều vườn đồi cây ăn quả thu hút đông khách đến dã ngoại, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Một số gia đình kết hợp cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, khám phá vườn đồi với chế biến nhiều món ăn đặc trưng như gà Liên Minh, dưa chuột, rau xanh … phục vụ khách du lịch.
Ông Hoàng Xuân Dũng, thôn 2 xã Gia Luận cho biết: cũng như gia đình tôi, người dân nơi đây có hướng duy trì và khôi phục trồng các loại cây ăn quả truyền thống, đặc sản của địa phương như cây cam giấy. Một số địa phương vận động người dân trồng cây với kiến trúc vườn rừng kết hợp phát triển làng du lịch sinh thái cộng đồng... Đây là cách đón đầu cơ hội phát triển, thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài đến khám phá thiên nhiên tại đảo Cát Bà. Ông Dũng cho biết, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập từ 20 đến 40 triệu đồng từ hoa quả và dịch vụ du lịch.
Góp phần khắc phục tình trạng du lịch mùa vụ
Việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng ở nhiều thôn, xã trên đảo rõ ràng giữ chân khách ở Cát Bà lâu hơn. Đồng thời việc tổ chức các điểm du lịch ở các thôn giúp người dân có nguồn thu nhập khá ổn định từ dịch vụ kinh doanh ăn uống, bán quà lưu niệm, tạo thêm việc làm. Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa đánh giá: “Huyện chú trọng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân. Trước hết, người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Tiếp đến là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như việc làm, giao lưu văn hoá và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hoá được nâng cao”.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải Vũ Tiến Bảy, phát triển du lịch cộng đồng là dựa vào dân, dân tự làm. Do vậy, việc người dân ý thức được nguồn lợi du lịch đem lại từ việc giữ nếp sống hằng ngày, giữ bản sắc văn hoá và giữ chữ tín với du khách là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của du lịch cộng đồng. Chị Bùi Thị Xuân, ở thôn 3 xã Xuân Đám tâm sự: "Khách du lịch đến thôn mình mỗi năm một nhiều hơn. Khách đến thì mình mời tham quan vườn cây. Chuyện mua bán hoặc nghỉ lại thì tuỳ theo nhu cầu của khách, họ mua gì hay không cũng đều vui vẻ".
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Anh Tuân cho rằng, để làm du lịch cộng đồng có hiệu quả, cần hỗ trợ cộng đồng về vốn, kỹ năng nghề nghiệp du lịch và có hành lang pháp lý rõ ràng đối với hoạt động du lịch, với khách du lịch… Đây chính là loại hình giúp phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân, góp phần khắc phục tình trạng du lịch theo mùa vụ, để khách đến Cát Bà, Hải Phòng không chỉ vào mùa hè.
Nguồn: Báo Hải Phòng