Ngày 9/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, địa điểm in tiền tài chính giấy bạc Cụ Hồ năm 1946 tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền vừa được công nhận di tích lịch sử cách mạng.
Ngày 31/1/1946, Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh số 18.SL cho phép Bộ Tài chính phát hành "Giấy bạc Việt Nam" ở Nam Trung Bộ từ vỹ tuyến 16 trở vào nhằm phục vụ cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.
Ở Thừa Thiên-Huế, ngay từ đầu năm 1946, giữa lòng thành phố, một cơ sở in thử bạc Tài chính Cụ Hồ được hình thành ngay tại nhà in Ngô Tử Hạ, ở đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng - Huế). Lúc đầu cơ sở này chỉ in các loại bạc nhỏ một đồng, năm đồng với nền màu vàng úa xen hình màu xanh lá cây.
Cùng với sự ra đời của cơ sở In bạc Tài chính Cụ Hồ ở nhà in Ngô Tử Hạ. Tại Huế, một xưởng dập tiền đồng (loại 20 xu, năm hào, một đồng và hai đồng) cũng được thành lập, cơ sở này đóng gần Văn Thánh, cách thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây Bắc.
Ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa Việt Nam và Pháp nội dung nêu rõ: "Nước Pháp phải thừa nhận Việt Nam là một nước độc lập, tự do, có Chính phủ, có Nghị viện, có Quân đội, có Tài chính riêng." Nhưng Hiệp định được ký kết chưa ráo mực thì thực dân Pháp đã bội ước.
Tại Thừa Thiên-Huế, chúng liên tục khiêu khích, gây căng thẳng, hòng đẩy lực lượng Việt Nam vào thế bị động. Đi đôi với những hành động quân sự, thực dân Pháp còn tìm cách móc nối, tập hợp lực lượng phản động tay sai để phục vụ cho mưu đồ quay trở lại xâm lược làm cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng.
Nhận thấy cơ sở in bạc trong thành phố Huế không an toàn, giữa năm 1946, cấp trên đã quyết định cho dời Cơ quan Ấn loát Tài chính Trung Bộ ở nhà In Ngô Tử Hạ ra thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ giữa năm 1946 đến đầu năm 1947) nhưng hoạt động của cơ sở in tiền tài chính tại đây đã góp phần khẳng định vị thế độc lập, chủ quyền về kinh tế, tài chính của quốc gia và góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.
Như vậy, cùng với những địa điểm sản xuất đồng bạc Tài chính Cụ Hồ năm 1946 tại Bắc Bộ và Nam Bộ, các địa điểm sản xuất đồng bạc Tài chính ở Thừa Thiên-Huế không chỉ có giá trị tiền tệ thông thường mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc đi đến thành công.
Cũng trong dịp này, tỉnh tổ chức xây dựng và khánh thành bia lưu niệm Sở Ấn loát tài chính Trung bộ tại Thừa Thiên-Huế.
Nguồn: TTXVN