Không hẹn với thị trấn Sapa mơ màng và đỉnh Fanxipang hùng vĩ, đích đến ở đây là các bản làng nép mình trong thung lũng mờ sương nằm giữa những sườn núi của dãy Hoàng Liên Sơn.
Con đường dài khoảng 50 km khá xấu, đá hộc to như những chiếc mũ cối, trơn nhẵn nằm lộn xộn trên con đường mờ bụi. Chiếc xe ca đời cũ lọc xọc di chuyển, máy gầm gào, chốc chốc lại dừng lại ngang đường để đón và trả khách. Hai bên đường, những thửa ruộng bậc thang xanh mơn mởn. Lác đác những tấm thảm đã rốm vàng. Cả thung lũng mênh mông lúa và lúa giữa màu xanh của núi rừng.
Thung lũng Mường Hum mênh mông một màu xanh |
Mường Hum đón khách bằng những vách núi cao vời vợi với tấm áo vá nhiều màu. Xanh của lúa đang vào đòng, vàng nương lúa chín sớm. Màu nâu đỏ của đất núi, dọc ngang lối mòn như bàn cờ. Dưới chân núi là dòng suối Mường Hum đang len lỏi giữa các ghềnh, nước tung bọt trắng xoá. Cánh đồng bạt ngàn. Một cây cầu bắc ngang dòng chảy, nối liền hai nửa con đường quanh co.
Chợ Mường Hum khá nổi tiếng với khách nước ngoài, chỉ họp một lần vào chủ nhật hàng tuần, là nơi hội tụ giao thương của bà con các xã quanh vùng. Người Dao đỏ, Hà Nhì, Mông, Hán, Giáy ở mỗi xã khác nhau lại có những tập tục và cách ăn mặc khác nhau tạo nên nét đa dạng cho phiên chợ. Người đông hơn hàng, vì dân vùng cao đi chơi chợ như đi chơi hội. Họ ăn mặc rất đẹp, trang sức lấp lánh. Đến ngựa cũng được đeo lục lạc và chùm dây màu quanh cổ. Thanh niên thư giãn đứng tựa lưng bên vách núi, ăn vặt và đùa nghịch, trong khi ngựa gõ móng lộp cộp dưới lòng suối.
Người Dao thêu thùa và phơi nắng trên núi |
Bát Xát, huyện cực bắc của tỉnh Lào Cai, nằm ở độ cao khá lớn. Là một vùng núi non hiểm trở, đi lại khó khăn nên đời sống của bà con dân tộc nơi đây còn rất hoang sơ. Từ quảng trường ga Lào Cai, có thể bắt xe khách đi Mường Hum. Một ngày chỉ có duy nhất hai chuyến xe chạy qua Mường Hum và Ý Tý vào lúc 7 giờ sáng và 1 giờ chiều.
Khoảng 2 giờ thì chợ vãn, theo một con đường chưa có trên bản đồ du khách tiếp tục hành trình tới Ý Tý, một xã nằm sâu hơn của huyện Bát Xát cách Mường Hum chừng 30 km. Đường lên Ý Tý rộng nhưng nền đường bằng đất và đá cuội, đi xe máy xóc tung người và không thể đi nhanh hơn tốc độ 20 km. Thung lũng Dền Sáng lúa xanh ngợp trời. Nắng chiều lên xua tan sương mù, bức tranh Dền Sáng rực lên như truyện cổ. Một bên là núi cao sừng sững, mây vờn ngang lưng trời. Ba dòng thác nhỏ cần mẫn đổ nước trên vách đá dựng đứng. Một bên là những triền đồi và thung lũng thanh bình trong nắng chiều. Những người phụ nữ đang lặng lẽ ngồi khâu vá thêu thùa vớt chút nắng chiều. Đám trẻ con nghịch bên, nô đùa với chiếc xe cút kít tự tạo từ những ống tre.
Con đường cứ đi lên cao mãi, xuyên qua một khu rừng già nguyên sinh ẩm thấp ở độ cao trên 2.000 m với những nương thảo quả trù phú dưới tán cây. Vượt lên trên một đỉnh đèo không tên, mặt trời sáng rực vươn mình chói lọi. Biển mây bồng bềnh gợn sóng đã ở dưới chân. Ý Tý được ôm trọn bởi dãy núi Nhỉ Cù San quanh năm mờ ảo trong sương, hiện ra như một thị tứ thiên đường. Những mái nhà bé xíu thấp thoáng trên triền núi xa xa. Mây mỏng đang tụ lại dần và trườn mình từ nơi này sang nơi khác. Chừng 10 phút, mây chiều đủ tràn xuống phủ kín lòng thung lũng và dâng lên che khuất cả đỉnh Ý Tý cao 2.660 m, xoá nhoà mọi ranh giới giữa đất và trời, giữa núi và mây.
Con đường gập ghềnh trong bóng tối. Tiếng nước suối chảy róc rách đâu đó hắt hơi lạnh lan nhanh. Trung tâm xã Ý Tý nép mình dưới chân núi với bán kính không đầy 3 km. Loanh quanh một con đường lớn với dăm ba ngả rẽ, vài căn nhà hai tầng mới xây bề thế với dăm chục hộ dân. Sau khi trình giấy giới thiệu với đồn biên phòng và đăng ký tạm trú với công an xã, chúng tôi tới căn nhà nghỉ duy nhất nằm ở lưng chừng dốc xuống chợ. Căn nhà sàn nửa gạch nửa gỗ, tầng hai dùng cho khách trọ có đầy đủ chăn ấm, đệm êm cho mỗi người với giá 30.000 đồng. Ban công bằng gỗ là một nơi lãng mạn để đón bình minh và rủ rỉ chuyện phiếm.
Êm đềm trong nắng chiều |
Người Hà Nhì nổi tiếng với những căn nhà trình tường đông ấm, hè mát, đạn bắn không thủng tường, mái rạ lô nhô trông giống như cây nấm khổng lồ bên sườn núi. Những ngôi nhà cao đến 4 m dựa trên một bộ khung bằng gỗ ráp, tường rất dày chừng 40 cm để chống lạnh. Trong nhà luôn tối và được chia thành hai phần nền đất và sàn gỗ, sàn gác. Bếp củi được đặt cao và quanh năm đỏ lửa, khói mỏng theo các lỗ tò vò bay ra bảng lảng trên nóc các mái nhà. Dưới hiên là những bắp ngô giống đã lên màu bồ hóng. Ngày nay, dọc tuyến Ý Tý thay vào những mái nhà bằng rơm rạ là nhà lợp mái tôn hoặc fibrociment, nhưng kiến trúc và cách làm tường vẫn cầu kỳ và không thay đổi.
Phụ nữ Hà Nhì vất vả, mọi công việc trong nhà đều đặt trên vai họ, từ đồng áng, lợn gà, lấy củi đến việc chăm sóc con cái. Họ có thói quen đeo gùi trên trán và rất nhẫn nại. Đàn ông chỉ uống rượu và hàng ngày khi phụ nữ lên rừng lên nương thì họ ở nhà trông lũ trẻ. Trẻ con thì ham học, mắt sáng và thông minh, buổi sáng đến trường, buổi chiều lại vào rừng kiếm củi tích trữ cho mùa đông. Cuộc sống nơi này cứ thế êm đềm mà trôi đi.
Chào Ý Tý, để lại sau lưng những lối mòn chỉ rõ mặt người khi mặt trời đã leo lên đỉnh đầu, để lại những chiều mây la đà trên mái nhà, để lại chảo cơm trên bếp hồng rực lửa và cả tiếng huýt sáo gọi bạn tình chớm đêm khuya. 9 giờ sáng, trời vẫn mịt mù hơi sương, những chiếc xe lại bị nuốt chửng bởi đám sương mù dày đặc ra về. Cánh đồng A Lù, A Mú Sung ngủ yên đâu đó dưới đáy thung lũng. Hẳn cây rừng cũng như người, đều đẫm sương lạnh buốt và run rẩy. Con đường lắt léo chạy lên rồi đổ xuống, vòng quanh sườn núi, băng qua giữa những thửa ruộng bậc thang thơm mùi lúa. Cả không gian cứ bồng bềnh và bồng bềnh. Cảm giác choáng ngợp và phiêu du thay nhau trỗi lên trong tim người lữ hành. Còn nhiều lắm những thôn bản yên bình, những thung lũng mờ sương mà bước chân giang hồ chưa chạm tới. Cứ đi mãi, đi mãi chưa hết núi non này.
(Nguồn: baodulich.com)