Chùa Dâu (Pháp Vân tự) thuộc tỉnh Bắc Ninh, là ngôi chùa cổ xưa nhất Việt Nam. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 3, chùa nằm ở vùng Dâu, tên chữ là Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Cổ Châu tự, người dân còn gọi là chùa Cả.
Những buổi đầu Công nguyên, nơi đây tấp nập phồn hoa và diễn ra các hoạt động giao thương, truyền giáo của các thương nhân tu sĩ người Ấn, người Hoa, người Việt. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Một Cột (Ba Đình - Hà Nội) có kiến trúc độc đáo nhất, tên chữ là Diên Hựu (phúc lành dài lâu), được xây dựng năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Đây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội họa, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Chùa chỉ có một gian gọi là Liên Hoa Đài (đài hoa sen) hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m, đường kính 1,2m. Sự độc đáo của kiến trúc chùa là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá.
Chùa Đồng (Yên Tử - Quảng Ninh) tọa lạc trên độ cao 1.068m, là ngôi chùa lớn nhất và được xếp vào hàng độc đáo nhất trên thế giới. Chùa có diện tích 20m2 (cao 3,11m, dài 4,96m, rộng 3,96m) được lắp ráp từ 3.600 chi tiết lớn nhỏ, trọng lượng đến 60 tấn được đúc bằng đồng nguyên chất với tổng kinh phí hơn 20,2 tỷ đồng.
Chùa Bái Đính (Hoa Lư - Ninh Bình): khu chùa lớn nhất Việt Nam, đang được xây dựng, dự kiến năm 2010 sẽ hoàn thành để kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010 - 2010). Gồm những công trình chính là Điện Tam Thế, Điện thờ Pháp Chủ, Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Tam quan, giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà Tăng thiền viện, khu nhà khách, Bảo tháp 14 tầng và khu Bảo tàng Phật giáo Việt Nam... Chùa có tượng A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam, nặng 100 tấn, có 500 tượng các vị La Hán bằng đá nguyên khối, mỗi tượng một dáng hình khác nhau cao to, đồ sộ...
4 ngôi chùa kỷ lục miền Trung
Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế) có Tháp chuông hình bát giác xây dựng từ năm 1844, được coi là tháp cao và cổ nhất Việt Nam. Tháp có 7 tầng, cao 21m, mỗi tầng được trang trí một tượng Đức Phật.
Chùa Phật Quang (Phan Thiết - Bình Thuận) được xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ 18. Chùa có bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đồ sộ và độc đáo xưa nhất Việt Nam. Bộ kinh gồm 118 bản gỗ thị huyết chia thành 7 quyển, 28 tác phẩm với 600.000 từ bằng chữ Nho và rất nhiều hình ảnh Đức Phật thuyết pháp. Cùng đó, chùa Phật Quang còn nhận thêm kỷ lục là ngôi chùa có mõ gia trì lớn nhất Việt Nam, chùa trang trí nhiều rồng nhất (166 con)...
Chùa Quán Thế Âm (TP. Đà Nẵng) nằm ở ngọn Kim Sơn thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Chùa tựa lưng vào núi, quay mặt ra dòng sông Cổ Cò. Sau chùa có động Quan Âm với nhiều hình ảnh kỳ thú do thạch nhũ tạo thành, nổi bật là pho tượng Quán Thế Âm cao 1,75m, một bức phù điêu thiên tạo kỳ diệu. Chùa là nơi tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm hàng năm vào ngày 19-2 Âm lịch.
Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt - Lâm Đồng) lớn nhất Việt Nam, nằm trên đỉnh Phụng Hoàng, phía dưới là hồ Tuyền Lâm. Trung tâm là ngôi chánh điện cùng các công trình tham vấn đường, lầu chuông và nhà trưng bày, gác trống, nhà khách tăng, thư viện, thiền thất viện trưởng và thiền đường. Bên ngoài thiền viện là tòa tháp uy nghiêm, bên trong có chuông lớn cao gần hai mét, nặng hơn một tấn, quanh mặt chuông có khắc bài thơ của Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, pháp danh của vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) lúc xuất gia tu hành.
4 ngôi chùa kỷ lục miền nam
Chùa Vạn Đức (Thủ Đức – TP.HCM) có ngôi chánh điện cao nhất (43,5m), nhìn từ xa thấy giống như một ngọn tháp 9 tầng và hai tháp nhỏ 5 tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính. Tầng trên là nội điện thờ Phật, có nhiều ô cửa sổ, bên ngoài có lan can, bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Sau hai năm xây dựng mới hoàn thành tòa chánh điện này.
Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long): ngôi tịnh xá khất sĩ đầu tiên ở Việt Nam. Kiến tạo cuối năm 1948 trên một khu đất rộng tại thị xã Vĩnh Long. Tịnh xá Ngọc Viên được xem là ngôi Tổ đình và là trung tâm hoằng khai giáo pháp khất sĩ của toàn sơn môn hệ phái, đặc biệt kể từ sau lần đầu tiên (1949) tổ chức trọng thể Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu Lan bồn trên quy mô lớn, gây ảnh hưởng rộng khắp trong sinh hoạt Phật giáo của toàn miền.
Chùa Đại Tòng Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu) có ngôi chánh điện lớn nhất Việt Nam. Chánh điện được xây năm 2002, hai tầng thờ Phật, dài 91m, rộng 46m, diện tích hơn 3.000m2. Trong chùa có tượng Phật Di Lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất (nặng hơn 40 tấn), chùa có số tượng Phật nhiều nhất với hơn 10.000 tượng và là nơi đào tạo, tu dưỡng có số lượng tăng ni tập trung nhiều nhất, thường xuyên lên tới 1.250 vị.
Học viện Phật giáo TP.HCM là học viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam, được thành lập 1983, từ đó đến nay đã có 5 khóa đào tạo, thời gian của mỗi khóa là 4 năm, cho đến nay có khoảng hơn 1.000 chư vị tăng ni được cấp bằng Cử nhân Phật học.
(Nguồn website Công an TP.HCM) |