Nếu du khách có dịp đi máy bay nhìn từ trên cao, sẽ thấy đảo Ngọc Vừng (thuộc huyện Vân Đồn) như là tấm khăn choàng nhung đang nổi giữa biển khơi. Xung quanh đảo, những con sóng xô bờ tạo bọt trắng như là những diềm trang trí của tấm khăn choàng.
Bãi biển Ngọc Vừng hoang sơ và thơ mộng |
Một số người già trên đảo giải thích rằng do ở giữa đảo có ngọn núi nhỏ, gọi là núi Ngọc, nên gọi là Ngọc Vầng, lâu dần biến âm thành Ngọc Vừng. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 4, trang 42, chép về sự kiện xây dựng đồn Tĩnh Hải trên đảo Ngọc Vừng, năm Minh Mạng thứ 20 (1840), trong đó có nói tới địa danh thôn Vựng là nơi “thuyền ghe người Thanh qua lại tấp nập...”. Như vậy, chỉ có thể nói rằng Vựng hay Vầng đều đã là tên cũ của đảo Ngọc Vừng ngày xưa. Trong thời kỳ chiếm đóng vùng mỏ Quảng Ninh, người Pháp đã gọi tên đảo Ngọc Vừng là Danh Do La. Hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào giải thích được rõ nguồn gốc, ý nghĩa của danh từ này.
Đảo Ngọc Vừng có bề dày truyền thống lịch sử từ lâu đời. Năm 1937, nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển tên là J.An-đéc-sơn đã đến nghiên cứu và phát hiện được trên bãi cát giữa đảo (nay nằm cạnh doanh trại bộ đội đảo Ngọc Vừng) những chiếc rìu đá xinh xắn, hòn kê, bàn mài rãnh hình chữ U và rất nhiều mảnh gốm có bề mặt rỗ như “bánh quy”... Sau khi phát hiện thêm một loạt các di tích khác có tính chất tương đồng ở ven bờ và một số đảo trên Vịnh Hạ Long, J.An-đéc-sơn đã đặt tên cho nền văn hoá ấy là Văn hoá Danh Do La. Tên gọi này đã tồn tại mấy thập kỷ, trước khi nó được các nhà khảo cổ học Việt Nam đổi thành Văn hoá Hạ Long vào năm 1967.
Do vị trí địa lý như tiền đồn quan trọng của đảo, năm Minh Mạng thứ 20 (1840) triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng đồn Tĩnh Hải trên đảo Ngọc Vừng. Theo Đại Nam nhất thống chí thì đồn Tĩnh Hải “có chu vi 134 trượng 8 thước, cao 5 thước, có 150 lính, 1 quản vệ và 3 thuyền lớn”. Khoảng 5-6 năm về trước, khi chúng tôi tới đây, dấu tích của đồn này vẫn còn khá rõ là những đoạn tường được xếp bằng đá cao trên dưới 1 m. Đáng tiếc sau khi khu đất này được xã giao cho 1 hộ dân đấu thầu để làm trang trại thì người ta đã san gạt và dấu tích đồn nay không còn nữa.
Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Ngọc Vừng trở thành nơi máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất. Tính ra, số bom đạn mà giặc Mỹ đã ném xuống đây, chiếm tới 2/3 số lượng bom đạn mà chúng ném xuống huyện Cẩm Phả. Ngày 24-12-1972 đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Quảng Ninh, khi quân và dân trên đảo Ngọc Vừng đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh.
Tuy nhiên, một trong những sự kiện lịch sử nổi bật nhất là ngày 12-11-1962, Bác Hồ đã đến thăm quân và dân trên đảo Ngọc Vừng. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử ấy, nhân dân trên đảo đã trồng hai cây đa tại nơi Bác đã đứng nói chuyện (nay đối diện cổng doanh trại bộ đội đảo), quanh năm cây xanh tốt toả bóng mát rượi. Hàng tuần, vào những ngày rằm, ngày lễ người dân trên đảo lại tới thắp hương trên ban thờ, tưởng nhớ công ơn của Bác và những tình cảm mà Bác đã dành cho đảo.
Không chỉ có bề dày truyền thống lịch sử, đảo Ngọc Vừng còn có những cảnh quan rất đẹp. Bãi tắm Ngọc Vừng tựa như một vành trăng khuyết dài trên 2 km, phía sau là rừng phi lao xanh tốt. Tiếng rì rào, vi vu của rừng cây cùng với tiếng sóng biển lúc ầm ào, lúc dịu dàng hoà thành một bản nhạc du dương, bất tận. Môi trường ở đây rất sạch, cát mịn, trắng. Tất cả những tiềm năng đó là những điều kiện thuận lợi để Ngọc Vừng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...
Mấy năm vừa qua, ngành Du lịch đã đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng con đường bê tông xuyên đảo, nối từ bến Cống Yên tới trung tâm đảo và chạy suốt chiều dài bãi tắm. Đến Ngọc Vừng, ngoài tắm biển, đi dạo trong rừng phi lao, thăm di tích lưu niệm Bác Hồ, trận địa pháo cao xạ thời kỳ chống Mỹ... du khách có thể tới các gia đình, trò chuyện và tìm hiểu đời sống của dân đảo. Như các đảo khác, người dân đảo Ngọc Vừng thật thà, chất phác và hiếu khách sẽ mang đến cho du khách những khám phá hấp dẫn. Tiếp đó, nếu có nhu cầu, du khách có thể đi tiếp tới các đảo trong quần đảo Vân Hải như đảo Quan Lạn, Minh Châu, đảo Bản Sen... Chắc chắn, chuyến đi ấy sẽ để lại cho du khách những ấn tượng khó phai khi đến thăm Vịnh Hạ Long.
(Nguồn: Báo Quảng Ninh)