Xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Đời sống kinh tế ở đây đang có nhiều khởi sắc và bảo tồn được nhiều nét văn hóa tuyền thống. Phát huy thế mạnh của mình và sự quan tâm đầu tư của nhà nước, Nghĩa An đang từng bước làm du lịch theo hướng du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái.
Du lịch cộng đồng, người dân hưởng lợi trực tiếp
Bỏ ra gần 100 triệu đồng đầu tư vào xây dựng bếp, công trình vệ sinh hiện đại, đầu tư chăn đệm, máy vi tính nối mạng, nhà chị Hoàng Thị Phượng ở thôn Đêu III, xã Nghĩa An đã trở thành một điểm ăn nghỉ uy tín trong các tour du lịch của nhiều công ty du lịch như: Hà Nội Amika, Sao Việt, Á Châu... 6 tháng đầu năm 2010 gia đình chị đón 30 đoàn với 140 khách chủ yếu là khách nước ngoài.
Chị Phượng cho biết: “ Mùa khách du lịch vào khoảng từ tháng 9 đến tết Âm lịch. Khách du lịch thích sinh hoạt cùng gia đình, thích tìm hiểu các nét văn hoá của dân tộc Thái về kiến trúc nhà sàn, làng bản, về ẩm thực, về nghề truyền thống ... Để đáp ứng được yêu cầu của khách, ngoài đảm bảo những tiêu chí vệ sinh trong ăn, ngủ, gia đình còn phải am hiểu chính văn hoá của dân tộc mình để giới thiệu cho du khách”. Với những nhận thức và học hỏi cách làm du lịch của nhiều nơi, chị Phượng đã duy trì được mô hình làm du lịch từ nhiều năm nay, đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Tuy nhiên, ở Nghĩa An không có nhiều hộ làm được du lịch như gia đình chị Phượng bởi chưa có điều kiện đầu tư, nhận thức còn hạn chế...
Để thúc đẩy xây dựng những mô hình như thế này, từ năm 2005 Nghĩa An đã triển khai dự án làng nghề, trong đó có 42 hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để bó và láng hè, đầu tư khung dệt nhằm phát triển làng nghề dệt truyền thống, thu hút khách tham quan và tiêu thụ sản phẩm đem lại lợi nhuận trực tiếp cho người dân. Ngoài ra, xã còn triển khai chương trình hỗ trợ 10 nhà xây dựng công trình vệ sinh tự hoại đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường phục vụ khách đến nghỉ tại gia. Đồng thời, đầu tư một điểm du lịch cộng đồng tại nhà sàn văn hoá thôn Đêu I với các hoạt động sinh hoạt văn hoá ẩm thực, văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian... Điểm du lịch này đã thực sự phát huy hiệu quả và là điểm đến của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. Thấy được lợi ích thiết thực từ hình thức du lịch cộng đồng, người dân nơi đây đã dần ý thức được việc bảo tồn, giữ gìn phong tục tập quán và bản sắc văn hoá dân tộc.
Du lịch gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
Bản sắc văn hoá là cái vốn của du lịch, bởi vậy du lịch phải gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Trong những năm qua, xã Nghĩa An đã quan tâm khôi phục các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống như hát giao duyên, tự sự qua hình thức Hạn Khuống, lễ hội lấy nước, lễ hội cầu mùa...; duy trì các trò chơi dân gian như: leo cột mỡ, đi cầu khỉ, ném còn, đẩy gậy, tó mắc lẹ... Xã khuyến khích thành lập các đội văn nghệ, mỗi thôn bản có một đội văn nghệ. Riêng đội văn nghệ của Đoàn thanh niên được đào tạo, dàn dựng những điệu múa truyền thống như: múa khăn, múa quạt, múa hoa ban, múa sạp.... phục vụ các đoàn khách, khuyến khích các nghệ nhân không ngừng tìm hiểu khôi phục, dàn dựng các loại hình nghệ thuật của dân tộc mình.
Trong đời sống sinh hoạt, Nghĩa An đã tập trung tuyên truyền xoá bỏ những tập quán hủ tục, giữ gìn phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp; đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, nâng cao chất lượng xây dựng thôn bản văn hoá. Trong quá trình triển khai xây dựng nhà văn hoá của các thôn, xã đã chỉ đạo đều làm nhà sàn mang kiến trúc của dân tộc Thái. Đồng thời, tiếp tục đề nghị đầu tư nâng cấp khu vực làng nghề, cải tạo nhà sàn văn hoá truyền thống của xã; đầu tư vào làng nghề dệt thổ cẩm, tổ chức các lớp học nghề, đưa mẫu mã phong phú đáp ứng được thị hiếu du khách, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để vừa đem lại nguồn thu nhập vừa lưu truyền và phát triển được nghề truyền thống.
Du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái
Qua đoạn dốc cheo leo là lên Nà Vặng, Nậm Đông của xã Nghĩa An một bên là rừng núi, một bên là dòng suối Nậm Đông uốn mình qua các khe núi. Nậm Đông có nghĩa là nước rừng. Dòng suối mát từ trong rừng chảy ra đem lại nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con nơi đây. Đồng thời, nó cũng là môi trường chứa đựng những sinh hoạt văn hóa gắn với nước (văn hóa nông nghiệp) của người Thái từ xa xưa. Đường lên Nậm Đông mới mở, thuận lợi cho những chuyến xe lên với công trình Thuỷ điện Nậm Đông và thuận tiện hơn cho giao thông đi lại kéo theo kinh tế nơi đây dần phát triển.
Từ Nghĩa An, du khách có thể đi thăm hoặc nhìn bao quát được cả cánh đồng Mường Lò xanh mướt và khung cảnh thị xã Nghĩa Lộ lung linh trong ánh đèn đêm. Nghĩa An nằm trên trục đường đi Trạm Tấu thuận lợi cho các tour du lịch tắm suối nước nóng và du lịch vùng văn hóa dân tộc Mông. Sau khi du lịch sinh thái, khách sẽ được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái như: rêu đá, món pa pỉnh tộp, thịt trâu sấy, bông lau xôi... và đắm chìm trong những điệu khắp, nhịp chiêng trống và những điệu xoè cổ của dân tộc Thái. Đêm về được ngủ trên những thảm đệm bông lau do chính tay cô gái Thái chăm chỉ, khéo léo làm nên.
Người dân Nghĩa An làm du lịch tuy chưa chuyên nghiệp, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của mình song họ làm với cả tấm lòng mến khách và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đó mới là một vốn quý để du lịch Nghĩa An từng bước phát triển.
Nguồn: Báo Yên Bái