Ngọn đèo 18 km, men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang đã mang trong mình nhiều huyền thoại gắn với cuộc hành trình khai mở thành phố Đà Lạt.
Với nhiều khách lữ hành, hình như mỗi lần đi qua đó, thiên nhiên hoang dã, sự hùng vĩ núi non Ngoạn Mục đem lại nhiều trạng thái cảm giác khác nhau...
Sợi chỉ luồn qua núi non trùng điệp
Năm 1893, A. Yersin phát hiện ra Đà Lạt, thì bốn năm sau, trong kế hoạch xây dựng thành phố này, viên toàn quyền Doumer đã phái một nhóm người nghiên cứu thực địa, lập bản đồ mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt. Dưới sự chỉ huy của đại uý Thouars, nhóm người này đã vẽ được lộ trình dài 122 km từ Phan Rang băng qua xóm Gòn (tên gọi của thung lũng Ninh Sơn lúc bấy giờ) để lên Dran (Đơn Dương), thung lũng Đa Nhim, Klong, Prenn rồi đến Đà Lạt. Lộ trình ấy làm phác thảo một hướng đường bộ, tức Ngoạn Mục ngày nay và một hướng đường sắt răng cưa được xây dựng đến năm 1917. Ngoạn Mục được coi là con đường được hình thành trong vất vả, giữa lam sơn chướng khí và sự rình rập của thú dữ như cọp, beo... và những toán lục lâm thảo khấu. Trong hồi ký của bác sĩ, nhà thám hiểm Yersin còn chép lại trận đụng độ đẫm máu với nhóm tội phạm triều đình có thủ lĩnh là Thouk (có thể tên Việt là Thục hay Túc) trốn trong vùng rừng thiêng nước độc ở Tầm Ngân- một ngọn núi dưới chân đèo.
Dài 18 km, Ngoạn Mục mang trong mình nhiều trạng thái không gian và khí hậu khác nhau. Nếu đi từ dưới lên, sẽ dễ dàng nhận ra sự giảm dần nhiệt độ qua những thay đổi về hệ sinh thái. Sự xuất hiện dần của thông, hoa dã quỳ hai bên đường như nhắc nhớ khách lữ hành phải khoác thêm áo ấm bởi khí hậu đang ngày một lạnh hơn, một vùng phong thổ khác. Tất thảy có bốn đoạn cua khuỷu tay rất gấp, con đường uốn lượn mềm mại qua những doi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng, tạo nên những tầng đường mà nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống, dễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó. Thiên nhiên ngày xưa lam sơn chướng khí khiến người Pháp, khi đứng từ đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng lòng chảo Ninh Sơn lại thốt lên: "Thung lũng chết!". Nhưng ngày nay, đứng ở khúc cua Eo Gió, với độ cao hơn 1.500m, nhìn xuống "vực", có thể phóng tầm mắt ra xa, thấy con đường như sợi chỉ luồn qua bao núi non trùng điệp, dưới thung sâu, san sát những mái nhà, những con đường và những khoảng xanh cây trái, vườn tược, và "sợi chỉ" mang tên quốc lộ 27 vắt xuống đồng bằng, xuyên trong mây mù, chạy hun hút tầm mắt về miền biển cả...
Tháng 7 năm 1917, Hiệp tá đại học sĩ, Thượng bộ công Đoàn Đình Duyệt đã vâng chỉ triều đình Huế lên Đà Lạt để chọn điểm, trù liệu xây dựng hành cung. Khi đi ngang Ngoạn Mục, ông viết: "... men theo đường sóng núi mà lên. Độ 3 tiếng đồng hồ thì đến Eo Gió, lộ trình dài 12 km (đoạn này có vẻ như có sự nhầm lẫn!?). Đỉnh Eo Gió cao cách đồng bằng 1.545 thước tây. Hai bên đường, cây cối rậm rạp, tuyệt nhiên không có dân cư. Người đi buôn lên xuống tuy đông, nhưng rất ít chỗ dừng lại để nghỉ chân..." (Nam phong tạp chí, số tháng III, IV, năm 1918).
Đoạn đường thú vị cho tour
Gần một thế kỷ trôi qua, con đường đèo có thể được mở rộng hơn qua hai lần sửa chữa lớn của Pháp và Nhật về sau này và quá trình tu sửa liên tục của Nhà nước trong thời gian gần đây. Nhưng khung cảnh hoang vắng và hương cây cỏ của Ngoạn Mục vẫn nhắc khách lữ hành nhớ về một cõi nào xa xưa. Dù bây giờ, hai ống nước lớn từ lòng hồ trên đỉnh đèo đã được nối xuống trạm thuỷ điện Đa Nhim - Sông Pha, đêm về sáng đèn lấp lánh như một vệt sao chổi.
Lên Ngoạn Mục vào buổi sáng bằng xe gắn máy, dễ bị choáng ngợp bởi những cụm mây mịt mù. Lên Ngoạn Mục những chiều đông, có thể đứng ở vực cao ngắm ra khoảng rừng những vách đồi trước mặt, thấy những mảng rừng đổi màu lá xanh, lá đỏ như những bức hoạ tuyệt tác từ thiên nhiên. Và lên Ngoạn Mục vào những đêm trăng sáng, dễ nhận ra một không gian ảo huyền giữa bao la núi rừng, cái cảm giác cô độc và trơ trọi giữa đất trời hoang lạnh lại khiến ta giật mình vì một tiếng chim đêm... Để rồi, khi đến Eo Gió, bạn thực sự ngỡ ngàng vì chỉ một khúc cua ngoặt khuỷu tay, bạn đã lạc vào một vùng khí hậu khác: bỏ lại sau lưng cái gắt gỏng của nắng Ninh Sơn để chìm vào những đợt gió cao nguyên lạnh buốt. Khoảng phân định hai miền khí hậu ấy chỉ là một doi núi - lạ thay, chỉ cách mấy bước chân...
Với địa thế khá hiểm, Ngoạn Mục trở thành đoạn đường thú vị cho một tour bằng xe đạp, xe gắn máy hấp dẫn trên đường từ phố núi Đà Lạt xuôi về duyên hải nắng gió Phan Rang.
(Nguồn: SGTT)