Trong những lần khai quật Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều đồ gốm sứ bao gồm những đĩa dầu lạc nhỏ men trắng; các loại bình vôi còn khá nguyên vẹn với tiêu bản đẹp, phần quai tạo hình tua cau; những chiếc bình đựng bã trầu (người ta gọi là ống nhổ) bằng gốm men và một số dao bổ cau làm bằng nanh, vuốt thú hay bằng gỗ quý. Xung quanh một số chuôi dao còn được bọc kim loại mầu vàng và bên trên chạm khắc hoa văn rất đẹp.
Nhóm di vật này có niên đại vào khoảng thời Trần và thời Lê là những bằng chứng cho thấy trong Hoàng cung xưa, tục ăn trầu cũng rất phổ biến.
Sách xưa có ghi “ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm." Ăn trầu chỉ là một thứ nhai chơi, không để no, nhưng người Hà Nội lại rất cầu kỳ từ việc lựa chọn chỗ mua trầu, cau, đến cách ăn.
“Ru con con ngủ cho rồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam phố, mùa trầu chợ Dinh.”
Chợ Quán, chợ Cầu là các chợ lẻ bên đường các phố cổ xưa ở Thăng Long-Hà Nội. Nam phố là tên cũ của phố Hàng Bè bây giờ, nơi xưa bán rất nhiều cau tươi, cau khô. Chợ Dinh gần dinh quan phủ Phụng Thiên (quãng phố Phủ Doãn và Ngõ Huyện bây giờ).
Cau ngon phải là cau bánh tẻ, không già, không non, vừa tới hạt. Người sành ăn thường kén mua cau Đông ở tỉnh Hải Hưng (cũ). Mua trầu phải chọn lá hơi ánh vàng, nhỏ, dày, tươi. Ngày trước có trầu không Làng Chả ngon nổi tiếng vì lá nhỏ, vừa thơm, vừa cay. Vôi tôi thì phải chọn vôi xứ Đoài-Sơn Tây.
Bộ đồ ăn trầu của người Hà Nội gồm có cơi đựng trầu bằng đồng hoặc quả trầu khảm xà cừ, ống vôi chạm bạc, ống nhổ bằng đồng thau đựng quết trầu (bã trầu).
Những cụ già ăn trầu còn có thêm cối giã trầu bằng đồng trạm trổ khá tinh vi, chỉ bỏ vừa một miếng trầu, miếng cau, vỏ cau để giã. Dao bổ cau phải sắc để bổ cau cho đẹp, hạt không bị long, bị vỡ.
Người Hà Nội xưa biết ăn trầu từ khi 13 tuổi và ăn trầu cũng rất duyên. Họ ăn trầu không những làm đỏ môi, bóng răng mà còn tạo nét môi cắn chỉ rất đẹp. Người ta không bỏ cả cau, trầu và vỏ vào cùng một lúc mà ăn từng thứ một. Ăn trầu đúng cách phải đủ bốn vị ngọt-đắng-cay-nồng, hòa quyện của bốn thứ cau-trầu-vôi-vỏ. Cau được bổ thành từng miếng nhỏ đều tăm tắp (“thương nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”), nhai dập cau rồi mới cho trầu, sau cùng là vỏ cau được quết chút vôi trắng ngà vị nồng mà thanh.
Người sang ăn trầu têm cánh phượng đựng trong cơi sơn son. Người bình dân ăn trầu têm cuộn tròn hình kén, đơn giản. Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu để phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của một con người.
Mẹ chồng đi xem mặt nàng dâu tương lai thường có nhã ý mời cô gái têm trầu cánh phượng. Phải là người thực khéo léo mới có thể tạo ra được miếng trầu vừa hợp mắt, lại vừa khuôn miệng.
Muốn têm trầu cánh phượng thì người ta phải gấp đôi lá trầu lại theo chiều dọc, sau đó đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá, khoảng từ giữa lá lên phía cuống, nhưng không được để đứt. Phần giữa lá, xén bỏ hai bên mép lại cho thẳng như têm trầu ăn thường ngày, đoạn phết một chút vôi ở giữa, rồi cuộn lại; sau đó dùi một lỗ ở giữa cuộn trầu, xong gài cuống lá vào cho chặt. Hai rẻo lá hình cong được cắt gần sát cuống lúc đầu, vì không cuộn nên vểnh lên trông như đôi cánh của con chim phượng. “Trầu têm cánh phượng” còn được gọi là “Trầu cánh quế."
Trầu têm đúng kiểu không bị gẫy, vôi vừa đủ ăn, gọn gàng mà vẫn toát lên vẻ duyên dáng thuần Việt. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ, miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa.
Miếng trầu ngày xưa làm cho người ta gần gũi nhau, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu sẽ nhân lên niềm vui, khách đến được mời trầu, tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui, ngày lễ, tết, ngày hội miếng trầu với người lạ để làm quen, kết bạn. Với người quen, miếng trầu là tri ân tri kỷ. Miếng trầu cũng làm người ta ấm lên trong những ngày mùa đông giá lạnh.
Hà Nội ngày nay, thói quen ăn trầu hầu như chỉ còn thấy ở những người ngoài 60 tuổi. Tuy nhiên, quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện” vẫn được áp dụng ở những dịp hiếu, hỉ, ngày Rằm, mùng Một hoặc các ngày Lễ, Tết./.