Phân biệt người Lô Lô đen và người Lô Lô hoa qua trang phục quần áo. Thiếu nữ Lô Lô đen mặc quần áo hai ống rộng dưới bó, trên vùng eo lưng thắt lại bằng chất liệu vải thô tự dệt nhuộm chàm pha củ nâu để giữ màu đen tím lâu phai. Áo cũng bằng vải chàm mang một sắc thái riêng, áo ngắn bó sát thân được thêu bằng chỉ màu đỏ viền vải xanh lá mạ cuốn quanh thân chín vòng, cánh tay áo dài hơn thân áo được thêu bảy vòng vàng, xanh và đỏ, cúc áo bằng đồng nhỏ như hạt ngô có 5 cúc, lỗ khuy bằng vải khâu nối. Dọc đường khuy áo là 2 viền sọc đỏ xanh. Lưng áo dệt một miếng thổ cẩm hoa văn vuông màu đen trắng rộng chừng một bàn tay dài từ cổ áo đến hết gấu áo, mép viền gấu áo là một sợi vải rộng khoảng 1cm, 2 màu đỏ và xanh thít chặt vùng bụng trên. Quấn quanh vùng eo là một miếng vải chàm nhuộm đen rộng khoảng 60 cm gấp đôi lại. Khăn đội đầu gọi là mũ có ba lớp vải chàm trắng bên trong - hai khăn màu chàm xếp quấn hai vòng bên ngoài. Tất cả là do bàn tay khéo léo của người phụ nữ cắt, khâu. Riêng chiếc áo, đó là một nghệ thuật tạo hình. Áo ngắn hở bụng nhưng lại bó gọn đôi “bồng đào”, dù có lao động nặng hay nhẹ áo vẫn bó gọn thân hình thon thả đẹp như thân lưng những con ong rừng vậy. Ngày nay phần bụng hở được mặc thêm một áo lót mỏng màu trắng hồng hoặc xanh da trời bằng vải phin.
Còn phụ nữ Lô Lô hoa trang phục nhiều màu đỏ sặc sỡ hơn, áo dài quá thân, khăn đội xếp nhiều lớp hình vuông được trang trí hoa văn sặc sỡ. Đàn ông Lô Lô hoa cũng giống đàn ông Lô Lô đen mặc quần 2 ống rộng bằng vải chàm đen, phần trên quấn quanh bụng là phần nối khoảng 20 cm bằng vải chàm không nhuộm, nhưng áo khác nhau. Đàn ông Lô Lô hoa trong quá trình sống giao thoa với cộng đồng nên bây giờ có nét tương đồng với đàn ông dõn tộc Mông, ngôn ngữ dân tộc Lô Lô đen và Lô Lô hoa cũng khác nhau đôi chút.
Người Lô Lô đen ở Bảo Lạc và Bảo Lâm sống định cư lâu đời thành từng làng. Làng người Lô Lô thường ở ven sườn núi, họ canh tác chủ yếu là nương rẫy và lúa nước. Tương truyền người Lô Lô đen kể rằng, tổ tiên của họ là anh em cùng cha cùng mẹ với dân tộc Tày, nên hiện nay ngoài ngôn ngữ riêng, từ già tới trẻ, người Lô Lô đều sử dụng và giao tiếp rất thành thạo ngôn ngữ Tày.
Cuộc sống người Lô Lô bình đẳng giữa đàn ông với phụ nữ. Trai gái yêu nhau, tự tìm đến với nhau, tìm hiểu nhau qua lao động, qua các phiên chợ, nhất là chợ tình vào ngày 30 tháng 3 và ngày 15 tháng 8 âm lịch, từng tốp nam nữ người Lô Lô mang cơm nắm đến chợ từ chiều hôm trước chợ phiên.
Đám con trai mời con gái ăn bánh dày nhân vừng đen và uống rượu hát giao duyên gọi là hát "lả chế" đến sáng không ngủ. Đôi nào ưng ý, họ tách riêng ra, người con trai cầm túi của người con gái vừa hát vừa kéo, người con gái quấn 2 vòng quai túi quanh cổ tay giữ cho chắc chắn không để túi lọt vào tay người con trai. Giằng co nhau đi từ đầu chợ đến cuối chợ. Đói thì ăn bánh ăn phở và uống rượu. Đến chiều, chợ tan nếu người con gái yêu chàng trai thì chịu để cho chàng trai cầm túi kéo đi. Dưới ánh hoàng hôn, bóng các chàng trai, cô gái nghiêng ngả hơi men đi trên những nẻo đường ngoằn nghoèo trên núi thấp thoáng trông như những con "nộc Sloa" đang múa. Sau đó là các thủ ăn hỏi, cưới xin được diễn ra trong cuộc sống cộng đồng.
Người Lô Lô không có lễ Thanh Minh tảo mộ. Phần mộ gia đình theo dòng họ được chôn cất tại một cánh rừng riêng của dòng họ. Quan niệm của người Lô Lô là không được động chạm đến mồ mả tổ tiên. Chỉ có lễ thờ thần đá vào đầu tháng 3 âm lịch gọi là: "Mể lồ pỉ". Xong rồi mới gieo trồng vụ mới.
Theo quan niệm người đẻ nhưng đất không đẻ nên mỗi gia đình người Lô Lô thường chỉ sinh hai con. Với họ, trai hoặc gái đều quý như nhau. Khi người con trai cả lấy vợ, sinh con được 5 - 6 tuổi thì bố mẹ ra ở riêng. Nhà riêng là cái lán dựng ngoài nương rẫy gần khe suối có đủ vật dụng gia đình để chăn nuôi gà, vịt và chăn bò, tiện việc trông coi nương rẫy. Việc nuôi lợn là phần của người con dâu, đám ruộng quanh nhà do người con trai trồng cấy. Nếu gia đình có hai con trai thì khi lấy vợ phải tách ra ở riêng.
Khi gia đình có người chết trong vòng 24 tiếng phải đưa đi chôn ngay tại cánh rừng riêng của dòng họ. Lễ đưa người chết đi chôn gọi là lễ "ma sống". Sau 1 - 3 năm người Lô Lô mới tổ chức tang lễ gọi là lễ "ma khô". Lễ "ma khô" được tổ chức linh đình, kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Họ sử dụng tiếng trống đồng để tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Trống đồng Lô Lô là dụng cụ chỉ để dùng trong lễ tang và là tài sản quý nhất của mỗi dòng họ. Mỗi dòng họ có từ 1 đến 3 đôi trống đồng, ước tính người Lô Lô chỉ còn khoảng 48 - 50 đôi. Mỗi đôi gồm trống đực và trống cái. Trống cái to gấp 3 lần trống đực. Ngày xưa trống đồng được cất giữ ngoài nương rẫy. Hiện nay, trống được giao cho người trưởng họ của dòng họ có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản trong nhà.
Khi tổ chức lễ "ma khô" thường sử dụng từ 5 đến 6 đôi trống. Tất cả trống đồng của dòng họ được tập trung lại, nếu ít thì phải mượn trống của dòng họ khác. Trống được treo lên từng đôi, mặt trống cái và mặt trống đực úp vào nhau cách nhau khoảng 20 - 30 cm. Người ta sử dụng 2 thanh tre để gõ trống. Thanh to xiên qua một củ ráy cắt đôi bọc vải chàm để gõ hai mặt trống, thanh tre nhỏ đánh phách nhịp trên tai trống tạo thành âm thanh trầm, âm vang huyền bí. Đánh trống có 5 đến 6 bài đánh để tạo nhịp cho 12 điệu múa.
Mỗi một gia đình anh em họ hàng với người chết mang đến một cây nêu bằng tre hoặc trúc dài treo một miếng vải hoa đỏ hoặc xanh, kèm theo rượu, gạo và 1 con lợn nhỏ hoặc con gà. Con gái, con rể, cậu lớn, cậu bé thì mang con bê hoặc con nghé. Tất cả đàn ông đều mặc áo tang bằng vải màu đỏ hoặc xanh tự khâu dài quá đầu gối. Phụ nữ mặc quần áo mới truyền thống, trên đầu đội thêm từ 3 - 5 cái áo mới để cúng cho người chết.
Khi thầy cúng làm lễ chính, tiếng trống đồng được đánh lên, con cháu bắt đầu hát gọi là "chỏ chế". Thường đàn ông mới hát "chỏ chế” và hát liên tục cho hết buổi lễ. Nội dung tiếng hát nói lên nỗi thương tiếc người đã khuất, cầu mong cho người chết được về đoàn tụ với tổ tiên và phù hộ cho con cháu có cuộc sống bình yên. Tất cả các cây nêu được tập trung lại trong một cây to dưới nhà. Con cháu bắt đầu múa vòng quanh theo nhịp trống đồng. Có 2 phụ nữ cầm chai rượu và khay chén đứng ngoài vòng lần lượt đưa chén rượu mời mọi người uống.
Hết điệu múa thứ hai thì nghỉ, bắt đầu lễ chính. Tất cả gà, lợn, bê nghé được giết mổ ngay tại dưới dàn trống đồng. Sau khi chọc tiết xong, mỗi con vật được đặt trên một tấm liếp đan hình vuông có buộc một miếng vải đỏ đặt một bát gạo, một chén rượu, thầy cúng cầm một cành lá bưởi bắt đầu khấn.
Thầy cúng là con cháu, anh em mang vật tế đến phải khác tự giết mổ và khác cúng khấn cho con vật tế của mình. Nếu ai không biết khấn thì thuê người khác cúng khấn cho khi xong việc phải chia cho thầy một cái đầu lợn hoặc một cái đầu con gà. Có bao nhiêu con vật tế thì có bấy nhiêu thầy cúng. Tiếng cúng khấn như tiếng hát một nhịp đều đều lẫn vào tiếng ồn ào của đám lễ.
Sau đó mỗi một con vật được thui trên một đống lửa riêng. 29 con vật là 29 đống lửa nghi ngút. Trong lễ “ma khô” của người Lô Lô, phảng phất âm vang của tiếng trống đồng cùng tiếng hát "chỏ chế".