Điện Biên giàu tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, ngoài quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, ở đây còn vốn văn hóa phi vật thể của 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, đa dạng và phong phú. Đó là lợi thế để tạo nên nét đặc trưng của Điện Biên về du lịch lịch sử - văn hóa.
Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ chính thức xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 28/4/1962. Đến với Điện Biên hôm nay, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất cực Tây Tổ quốc.
Bà Dương Thị Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: Hơn 10 tháng năm 2010, số lượng khách đến Điện Biên tham quan du lịch đạt 2.686 đoàn, trên 165 nghìn lượt, trong đó, khách nước ngoài 575 đoàn, 16.168 lượt. Doanh thu xã hội từ các loại hình du lịch ước đạt trên 100 tỷ đồng.
Ngoài việc thăm quan những di tích lịch sử, khách du lịch còn hướng tới những khu vực có tiềm năng đặc sắc về mặt thiên nhiên và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Một số du khách nước ngoài thường tìm đến những nơi du lịch mới lạ, những sản phẩm văn hóa du lịch còn nguyên sơ, những bản làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.
Khách du lịch tự khám phá những nét đẹp còn giữ nguyên vẻ hoang sơ của thiên nhiên, tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hóa tiềm ẩn, bởi vì nơi đây những phong tục, tập quán của đồng bào còn được lưu giữ, chưa mai một trong cuộc sống hiện đại. Đây là nét đặc trưng của thị trường du lịch mới lạ, là tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch Điện Biên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, những năm qua, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương tiến hành phục dựng một số lễ hội tiêu biểu; bảo tồn, phục dựng một số làng, bản; tăng cường văn hóa cộng đồng dưới hình thức này hoặc hình thức khác; đầu tư 3 lễ hội Pang phóng, mừng cơm mới, Ma khô của dân tộc Kháng, Sinh Mun và ngành Mông xanh; bảo tồn bản truyền thống dân tộc Thái tại bản văn hóa Che Căn, xây dựng mô hình nông thôn mới tại một số bản, bước đầu đang phát huy hiệu quả về du lịch cộng đồng.
Hiện nay toàn tỉnh có 8 bản văn hóa du lịch cộng đồng: bản Ten, Mển, Co Mỵ, U Va, Pe Luông (huyện Điện Biên); Noong Bua, Phiêng Lơi, Him Lam (T.P Điện Biên Phủ). Năm 2010, ngành Du lịch lập dự án đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đầu tư kinh phí khôi phục 10 điểm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, trong đó có điểm du lịch khoáng nóng bản Sáng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo; động Pa Thơm, huyện Điện Biên.
Hàng năm, nhiều du khách thường tìm đến những nơi này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ưu ái, ban tặng. Các bản văn hóa để lại nhiều ấn tượng cho khách tham quan và giữ chân khách lưu lại lâu hơn. Ông Cà Văn Phương, Trưởng bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn, huyện Điên Biên, cho biết: Bản có 119 hộ, 547 khẩu, từ đầu năm đến nay, bản đón gần 100 đoàn, 2.247 lượt khách tham quan. Bình quân thu nhập mỗi khách là 140.000 đồng/lượt…
Ông Phạm Văn Thăng, Phó phòng Du lịch, Sở Văn hóaThể thao & Du lịch, cho biết: Nhiều năm qua, chúng tôi thiếu các sản phẩm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như tờ rơi, tờ gấp, bản đồ, trang Web, quảng bá, thu hút khách du lịch trên các báo, tạp chí chuyên ngành, nên các đoàn khách lên với Điện Biên chưa tìm được điểm dừng chân cho các tour du lịch.
Đặc biệt, các bản văn hóa chưa có cán bộ chuyên trách về du lịch và thiếu những kỹ năng giao tiếp cho các nhân viên du lịch, các thủ tục lưu trú cho khách tại địa phương chưa được cải tiến và phân cấp cho địa phương quản lý. Nhiều đoàn khách nước ngoài đi theo tuor, hoặc đi riêng lẻ không được lưu trú tại địa phương, do vậy làm mất nguồn thu tương đối lớn từ khách du lịch.
Qua những nét đặc trưng về du lịch lịch sử - văn hóa nêu trên, thiết nghĩ, các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch ở Điện Biên, tạo một hướng đi mới, tăng nguồn thu, giúp các bản du lịch cộng đồng có thu nhập ổn định, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ