Văn hóa dân gian là sản phẩm của thời kỳ nhận thức tự nhiên - xã hội của con người còn sơ khai, song lại chứa đựng những ý nghĩa nhân văn là kết quả của ý thức về tổ chức và hoạt động của cộng đồng.
Một số khảo sát do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai tiến hành dưới đây sẽ cho thấy điều này, và vấn đề đặt ra hôm nay là cần làm thế nào để văn hóa dân gian tiếp tục phát triển, vừa mang tính tiên tiến, vừa phù hợp bản sắc dân tộc...
Truyền dạy chữ viết và nghề bốc thuốc của người Dao: Hằng năm cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, trong từng gia đình người Dao lại diễn ra các lễ trao truyền, cụ thể là việc dạy con cháu học chữ Nôm Dao và đặc biệt là nghi thức truyền nghề thuốc cho các thế hệ kế tiếp diễn ra tại gia đình các thầy thuốc trong thôn. Ðây là dịp cộng đồng tôn vinh việc học hành, lễ nghĩa, học nghề và học cách làm người.
Sáng sớm mồng một Tết, người Dao tổ chức dạy bảo học chữ cho con trai tuổi từ 12 đến 13 trở lên (người Dao đỏ gọi là "tu xô hiu", người Dao tuyển gọi là "châu dặt hô đăng" - nghĩa là mùng một học chữ). Với người Dao, dạy chữ không chỉ đơn giản ở việc dạy cho con biết đọc biết viết chữ của tộc người mà còn dạy con học biết cái tình cái lý, không quên gốc rễ tổ tông. Con trai học chữ, con gái học thêu thùa, khâu vá. Nơi các cô gái ngồi thêu hoa, cũng là điểm hẹn để các chàng trai đến ném còn và tìm hiểu để kết duyên đôi lứa.
Ðây là tập quán có từ lâu đời của người Dao, việc dạy bảo cho con cái lễ nghĩa để tránh mắc tội với tổ tiên, con cái luôn có ý thức tự hào dân tộc. Người Dao đỏ còn chọn ngày tốt để dạy chữ cho con, thường những ngày từ mồng một Tết đến rằm tháng giêng; theo quan niệm của bà con thì những ngày này đều là ngày tốt, nhưng chọn ra ngày hợp với tuổi của con thì việc học hành sẽ tấn tới, học tập thành công. Bên cạnh việc dạy chữ cho nam thiếu niên, trong dịp Tết, cộng đồng người Dao còn tổ chức truyền dạy phép thuốc (học nghề thuốc). Người Dao có hệ thống chữ viết và một di sản sách cổ Nôm Dao rất giá trị, tuy nhiên sách về y học lại rất hiếm.
Trong khi đó, người Dao lại nổi tiếng về y dược, chữa bệnh cứu người. Người học nghề thuốc theo phải tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu nghiêm ngặt của cha ông truyền lại. Sau khi kết thúc lễ truyền, người thầy hướng dẫn người học cách lấy cây thuốc và các quy định của nghề y phải tuyệt đối phải tuân thủ, như: Không được làm việc thất đức, cứu chữa không đúng bệnh mà mình biết, không lừa người ốm; thuốc quý không được coi thường; không được phản thầy; cứu người là việc chính, không được lừa dối để lấy tiền hay lười biếng, dù họ có ở xa, khó khăn vẫn phải chữa trị khi người ta tìm đến...
Lễ hội Nào Cống: Hơn 50 năm trước, ở Tả Van (Sa Pa) có một ngôi miếu thờ ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van - Giáy. Ngôi miếu trở thành địa điểm tổ chức lễ Nào Cống của cả vùng thung lũng Mường Hoa. Hằng năm vào ngày Thìn, tháng 6 Âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy ở Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ làm lễ Nào Cống. Mỗi gia đình cử một người đại diện, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.
Ngôi miếu thờ được người Mông gọi là Chế đáng (Tsêr đăngz). Miếu thờ có ba gian, gian giữa thờ hai viên quan họ Ðào. Một gian bên trái thờ thần núi (Sơn thần), thần Suối Hoa (Long Vương), người Giáy gọi là "sía po", "sía ta", người Mông gọi là "thủ ti", "lùng vàng".
Lễ vật dâng cúng là trâu đen, lợn đen và gà vịt do các làng đóng góp mua. Làng Tả Van - Giáy có trách nhiệm chuẩn bị vàng hương, bát đĩa dâng cúng. Chủ lễ là người Giáy ở Tả Van. Chủ lễ ăn mặc áo dài, quần thụng, trịnh trọng đọc lời cúng thần linh. Nội dung bài cúng là mời các thần về dự lễ, cầu mong các thần phù hộ người yên vật thịnh, được mùa.
Sau lễ cúng, chức dịch Mường Hoa lên đọc quy ước chung của cả Mường, gồm bốn nội dung: 1. Trị an của các làng: không được trộm cắp, và có biện pháp phòng ngừa kẻ xấu nơi khác đến trộm cắp. 2. Bảo vệ rừng: Các làng người Mông, người Dao, người Giáy, phải chú ý làm rẫy, cấm lấy củi, hái măng ở khu rừng cấm thờ thổ thần và khu rừng chung đầu nguồn nước của làng. 3. Chăn dắt gia súc: Quy ước có quy định cụ thể thời gian cấm thả rông gia súc. Hằng năm từ ngày 15-10 Âm lịch đến ngày Thìn tháng giêng người dân mới được thả gia súc. Ngoài khoảng thời gian trên, cấm mọi người thả rông gia súc để tránh bị phá hoại mùa màng. 4. Về ứng xử xã hội: Quy ước cả vùng đều quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giúp gia đình có tang gia, phê phán quan hệ nam nữ không lành mạnh...
Kết thúc phần đọc các quy ước, người chức dịch nhấn mạnh "Hôm nay, tôi nói cho mọi người biết như thế, từ đây mọi người trở về nhà phải tuân theo những lý lối này và kể cho cả nhà được biết để tuân theo", mọi người đến dự có trách nhiệm tuân theo quy ước do chức dịch đã phổ biến. Kết thúc phần phổ biến quy ước, mọi người dự lễ Nào Cống vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống cộng đồng. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về.
Tết Mộng niên người Dao Tuyển: Tổ chức vào ngày 15 tháng giêng Âm lịch hằng năm. Ngay từ ngày hôm trước, tất cả các gia đình đều chuẩn bị lễ vật để cúng tổ tiên tại nhà mình, nhưng lễ chính lại được tổ chức tại nhà già làng, mỗi gia đình đóng góp một ít rượu, gà, giấy mầu để phục vụ cho việc tiến hành nghi lễ. Ngày này mỗi gia đình có thể mời người thân, bạn bè ở nơi khác về dự cho thêm đông vui. Ngày 14 già làng phân công nhiệm vụ cho một số người nam giới chuẩn bị lễ vật, phụ nữ thì làm bánh mật (dzu pèng), bánh chưng (dzu guây), con gái thì chuẩn bị quả còn "ô tom"... Sáng hôm sau, dụng cụ làm việc được đem ra trước bàn cúng để cầu các thần linh phù hộ cho dân làng một năm làm ăn phát đạt.
Sau đó, mỗi gia đình cử một người tham gia đi cùng đoàn làm nương, lấy củi, tra hạt, săn bắn cầu may đầu năm, mong cho cả năm làm ăn thuận hòa đạt kết quả... Nghi lễ của hội có ném còn và hát giao duyên đối đáp nam nữ. Quả còn được làm có hình quả trám, năm góc có tua vải nhỏ với các mầu khác nhau, bên trong là những hạt thóc, ngô, gạo, kê, việc nam nữ chơi ném còn cầu mong cuộc sống trong năm mới luôn no đủ. Khi chơi còn, nam nữ hát đối đáp giao duyên, những câu hát hỏi nhau với nhiều nội dung về cội nguồn tổ tiên, về lịch sử dân tộc và những câu hát tỏ tình ý nhị: "Chấp tay ngồi mâm hát một câu - Trai xinh, gái đẹp hát trả bài - Cung trăng, mặt trời cùng xuất hiện - Tiết lạnh con chim cũng bay đi"...
(Nguồn: website nhandan)