Trong nền văn minh lúa nước sông Hồng như ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ của nước ta, gạo là sản phẩm quý nhất trong số những sản vật nuôi trồng. Gạo được ví như ngọc thực. Trong đó, gạo nếp là thứ gạo chỉ dùng để đồ xôi, làm bánh trong những dịp lễ Tết, dịp có việc quan trọng của gia đình (ma chay, cưới xin, giỗ chạp), việc quan trọng của làng, xã… Lúa nếp thường được cấy rất ít nên mọi gia đình giữ lúa nếp như của quý trong nhà.
Trước đây, gạo nếp thường có mùi hương rất thơm. Ở những vùng quê thông thường, người ta cấy nếp hương. Nếp hương có mùi thơm đến mức: thơm từ thời con gái đến thời ra đòng, trổ bông, cho đến khi vào mẩy, chín vàng. Những ai ở vùng nông thôn trước đây sẽ hiểu thế nào là cảm giác đi qua ruộng lúa nếp hương khi có cơn gió tạt qua mũi mùi hương dịu dàng của lúa nếp.
Nếp nương Điện Biên là đặc sản nổi tiếng. Cây lúa nếp Điện Biên "uống nước" của núi rừng, cộng với khí hậu đặc trưng của Tây Bắc nên lúa nếp nương ở đây săn, chắc, thơm vô cùng.
Gạo nếp nương Điện Biên phân biệt với các loại gạo nếp khác chính là những hạt mẩy, dài (gạo nếp vốn hạt hơi tròn, mập). Nấu gạo nếp nương Điện Biên thành xôi có cảm giác như xôi không được kết dính lắm, và hạt gạo cảm giác không được nở như các loại nếp thường. Nhưng khi ăn vào, mới thấy hết vị ngọt, sự dẻo, thơm trong hạt cơm và ăn không hề bị cứng
Vốc từng vốc gạo căng mẩy, hạt đều tăm tắp, hít một hơi để cảm nhận hương vị thơm đặc trưng của của núi rừng. Xôi nếp nương dẻo, hạt gạo chín đều, kết dính nhau, hương vị thơm, ngậy đậm đà bản sắc vùng Tây Bắc./.